Cuba mở cửa thị trường: Thận trọng không thừa!

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Mặc dù tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương Cuba - Mỹ đang diễn ra thuận lợi, song Havana tỏ ra thận trọng khi mở cửa thị trường, trong đó có lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Philippe Pouletty, bác sĩ người Pháp, đồng thời là nhà sáng lập công ty sinh học Abivax, hiện đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu gene và công nghệ sinh học của Cuba trong dự án phát triển vaccine phòng ngừa viêm gan B.

Đây là dự án rất hứa hẹn và các chuyên gia hy vọng vaccine mới sẽ được tung ra thị trường châu Á trong hai năm tới và tiếp đến là xâm nhập châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng thả nổi một công ty do Nhà nước Cuba nắm giữ phần lớn cổ phần tại thị trường chứng khoán châu Âu Euronext đã không được chào đón.

Theo ông Pouletty, khi đề cập tới vấn đề này, giới chức Havana cho rằng cần có thêm thời gian - có thể vài ba năm. Thay vào đó, Abivax cam kết mua vaccine mới và thanh toán tiền bản quyền sáng chế cho Cuba khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Câu chuyện của Abivax là ví dụ điển hình cho thấy sự thận trọng của chính giới Cuba khi bắt tay với các đối tác nước ngoài mặc dù đầu năm ngoái, nước này đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới với mục tiêu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Bộ luật mới được đánh giá là cởi mở hơn rất nhiều, trong đó cho phép đầu tư nước ngoài vào hầu hết lĩnh vực, trừ các lĩnh vực như y tế, giáo dục và các thể chế quân sự. Trong các mô hình đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên xuất hiện hình thức “hợp đồng liên kết kinh tế quốc tế và công ty 100% vốn nước ngoài”.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nguồn vốn nước ngoài sẽ được phép đầu tư vào các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, cùng với các doanh nghiệp trong nước.

Các tập đoàn lớn của Mỹ cũng trong tư thế sẵn sàng chờ cơ hội đổ bộ vào hòn đảo tự do sau hơn nửa thế kỷ bị kiềm chế do lệnh cấm vận kinh tế. Ngay từ lúc này, khi mà tiến trình hòa hợp Mỹ - Cuba mới chỉ có thể gọi là hé mở, internet đã đi tiên phong trong cuộc đổ bộ. Ông chủ Google cách đây không lâu đã tới Cuba.

Không muốn là kẻ chậm chân, Hoa Vi - tập đoàn tin học hàng đầu Trung Quốc - đang thương lượng với chính quyền Havana để mở mạng lưới thương mại đầu tiên của họ trên hòn đảo. Hàng loạt ông chủ của hãng hàng không Jet Blue, dược phẩm Pfizer, MasterCard hay thực phẩm, lần lượt theo chân các nhà chính trị đến Cuba thăm dò, tìm hiểu.

Tuy nhiên, chính quyền của Chủ tịch Raul Castro vẫn đang dè dặt khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Trong cuộc họp với Hội đồng Bộ trưởng cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Raul Castro nói rõ rằng, mặc dù Chính phủ nhận thấy sự cần thiết của việc thay đổi mô hình kinh tế - xã hội chủ nghĩa, song điều này không có nghĩa là mở cửa một cách thiếu kiểm soát.

Cách tiếp cận dè chừng của Cuba trong thực hiện cải cách kinh tế trái ngược hoàn toàn với hy vọng của Mỹ về kết quả nối lại quan hệ song phương, vốn được xây dựng dựa trên giả định rằng quốc đảo vùng Caribe sẽ mở toang cửa.

Lý do mà Chính phủ Cuba đưa ra là họ phải thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích cao nhất của mình trong bối cảnh nước này tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Thêm vào đó, nền kinh tế Cuba với việc Nhà nước quản lý tới 90%, chưa thể ngay lập tức thích ứng với điều kiện mới. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba cho phép luồng vốn và hàng hóa từ Mỹ và nhiều nước châu Âu khác đổ vào nền kinh tế Cuba, một thị trường có sự khác biệt rất lớn so với xã hội tiêu dùng phương Tây.

Để tránh những sai lầm trong quản lý kinh tế vĩ mô trước làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt, mọi sự thận trọng của Chính quyền Havana là không thừa.