Cuba bình thường hóa quan hệ với các chủ nợ quốc tế
(Tài chính) Sau các cuộc đàm phán đầy thiện chí với Mỹ và Liên minh châu Âu về khả năng bình thường hóa quan hệ song phương, Cuba tiếp tục hướng tới các thể chế tài chính hàng đầu thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và mới đây là Câu lạc bộ Paris.
Kết thúc chuyến thăm chớp nhoáng Havana, Chủ tịch CLB Paris Bruno Bezard tuyên bố hai bên sẽ kết thúc quá trình hòa giải trong vòng ít tuần nữa, và sau đó (có thể chỉ vài tuần hoặc vài tháng) hai bên có thể bắt đầu một cuộc thương lượng (về các khoản vay mới của Cuba).
Chuyến thăm của ông Bezard - người hiện đang đứng đầu Kho bạc Pháp - còn là bước tiền trạm cho chuyến thăm Cuba sắp tới của Tổng thống Francois Hollande, dự kiến vào trung tuần tháng 5 tới. Cũng theo tiết lộ của một số tờ báo phương Tây, nợ công cũng sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng trong chuyến công du lần đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp tới Cuba.
Pháp hiện là chủ nợ lớn nhất của Havana trong số 15 chủ nợ trong CLB Paris - một diễn đàn không chính thức thành lập năm 1956, bao gồm 19 thành viên là các nước phát triển, chủ các khoản nợ công, với mục đích tìm giải pháp cho các nước đang gặp khó khăn trong trả nợ. Trong tổng số 15 - 16 tỷ USD mà Cuba nợ nhóm nước này - theo ước tính mà chính ông Bezard tuyên bố, khoảng 5 tỷ USD thuộc về Pháp.
Các nhà quan sát không loại trừ khả năng trong chuyến thăm chớp nhoáng sắp tới của Tổng thống Hollande, Havana sẽ đạt được một thỏa thuận giảm nợ nào đó với Paris, như họ đã từng đạt được trước đây với Mexico, Nhật Bản và đặc biệt là Nga (từng xóa 90% nợ của Cuba với Liên Xô cũ năm 2013).
Có một chi tiết đáng chú ý, dường như ở thời điểm này, Pháp đang nổi lên là cầu nối chính giữa Cuba và Liên minh châu Âu thay cho nước có truyền thống giữ vị trí này là Tây Ban Nha. Ảnh hưởng của Madrid, nước vẫn dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Cuba, đã phần nào giảm bớt với Havana do quan điểm bảo thủ của Chính phủ Thủ tướng Mariano Rajoy và ảnh hưởng tiêu cực từ những khó khăn kinh tế của vương quốc vùng Iberia này.
Về phía Cuba, động thái xích lại gần CLB Paris thêm một lần nữa chứng tỏ sự điều chỉnh trong chính sách cầm quyền của Chủ tịch Raúl Castro: dần dần xích lại và chấp nhận luật chơi toàn cầu hóa mà thế giới tư bản phương Tây đang chi phối, tất nhiên là với những bước đi và tuyên bố rất thận trọng.
Năm 1986, Havana đã thương lượng được với CLB Paris một số điều khoản có lợi cho các khoản nợ của mình trong giai đoạn 1982 - 1986, nhưng họ tuyên bố ngừng trả nợ nhóm quốc gia chủ nợ trên với lý do các nước này đã can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba.
Năm 2001, Cuba đề nghị mở một cuộc tái thương lượng với CLB Paris về một “giải pháp hợp lý”, nhưng cuộc đối thoại này nhanh chóng đi vào ngõ cụt trước “các điều kiện không thể chấp nhận” của các nước chủ nợ. Khoản nợ mà Havana coi là “bất di bất dịch” lên tới 7,983 tỷ USD này chính là tâm điểm của các cuộc đàm phán.
Hiện tại, không có con số chính thức về tổng số nợ nước ngoài của Cuba, nhưng một số chuyên gia kinh tế nước ngoài ước tính con số này khoảng 22 tỷ USD. Con số chính thức gần nhất được Văn phòng Thống kê Quốc gia Cuba công bố vào năm 2011 là các khoản nợ mà nước này đang trả lãi 13,914 tỷ USD.
Sau khi lên cầm quyền, Chủ tịch Raúl Castro đã bắt đầu một số cải cách kinh tế từ năm 2009, bao gồm xem xét chi tiêu cẩn trọng hơn và một chính sách tài chính đối ngoại mới hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia chủ nợ với ba mục tiêu: tạo uy tín cho Cuba trên thị trường tài chính quốc tế, mở ra khả năng tiếp cận các khoản tín dụng mới và khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Cuba José Luis Rodríguez, trong giai đoạn 2010 - 2014, mỗi năm Cuba đã sử dụng khoảng 3,224 tỷ USD, tương đương khoảng 4,7% GDP để trả lãi và các khoản nợ đáo hạn và năm nay Havana nâng con số này lên mức 5,661 tỷ USD. Nền kinh tế Cuba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm vận của Mỹ được thực hiện từ năm 1961, và việc gây dựng lại mối quan hệ hữu hảo với các đại gia tài chính thế giới có thể sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội Cuba mở cửa.
Terry Maris, người từng đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba thuộc Đại học Bắc Ohio, đánh giá: “Đây sẽ là điều tốt đối với Cuba. Cuba không có đủ cơ sở hạ tầng, sẽ phải tốn tới hàng tỷ USD và số tiền này không thể có được chỉ sau một đêm. Cuba hiện đã ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài”. Như vậy, có thể tạm coi cuộc đàm phán với CLB Paris vừa qua, bên cạnh yếu tố tận dụng những cải thiện mới đây trong quan hệ với phương Tây, là bước đi đã được tính toán trong chiến lược kinh tế mới của Cuba, nhằm thực hiện quá trình toàn cầu hóa về kinh tế - thương mại.