Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ khó thu

Thanh Sơn

Báo cáo của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến ngày 14/3/2024 là trên 1.881 tỷ đồng của hơn 4.800 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 400 doanh nghiệp có số tiền nợ trên 1 tỷ đồng.

Cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: TTHT
Cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: TTHT

Năm 2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 130.800 tỷ đồng. Để hoàn thành dự toán được giao, một trong những giải pháp được đơn vị chú trọng là thu hồi nợ thuế.

Mới đây, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thu hồi và xử lý nợ thuế năm 2024, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc và trực thuộc, đồng thời yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, chỉ đạo thực hiện.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong số nợ thuế nêu trên, nợ có khả năng thu là trên 234 tỷ đồng. Số tiền nợ mới phát sinh tăng trong năm 2023 còn phải thu hồi là hơn 195 tỷ đồng của 300 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong số 4.800 doanh nghiệp nợ thuế tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, có hơn 1.800 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động (tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng tiền nợ); gần 200 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tương ứng hơn 400 tỷ đồng tiền nợ).

Theo đánh giá của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, số liệu nợ thuế tồn đọng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là các khoản nợ đã phát sinh từ lâu, trước khi các biện pháp cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế được áp dụng; nguyên nhân chủ quan, một số trường hợp nợ thuế do thiếu thông tin dẫn đến áp dụng biện pháp cưỡng chế chậm, không kịp thời; một số trường hợp chưa được theo dõi đôn đốc thu hồi nợ kịp thời...

Để xử lý, thu hồi số nợ thuế nêu trên, Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo, các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ. Trong đó, thực hiện Quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 2317/QĐ-TCHQ ngày 24/10/2022.

Các giải pháp bao gồm: Phát hành thông báo nợ thuế, gửi thư mời doanh nghiệp đến làm việc tại cơ quan Hải quan, xác minh địa chỉ và tình trạng hoạt động doanh nghiệp tại địa phương…; thực hiện xác minh thông tin cần thiết để thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Nội dung xác minh: Thông tin tài khoản ngân hàng, tình trạng hoạt động và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, truy tìm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế, xác minh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ tương đương, các thông tin liên quan đến tài sản của đối tượng nợ thuế theo quy định.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị căn cứ tình hình nợ thực tế, các đơn vị xác định các công việc còn phải thực hiện, xây dựng kế hoạch công tác xử lý nợ thuế chi tiết tại đơn vị. Đối với các khoản nợ đã phát sinh quá 10 năm, kế hoạch phải tập trung phân loại hồ sơ có số tiền nợ lớn, đủ điều kiện xử lý nợ và hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện khoanh và xóa nợ.

 

Trong số 4.800 doanh nghiệp nợ thuế tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, có hơn 1.800 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động (tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng tiền nợ); gần 200 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tương ứng hơn 400 tỷ đồng tiền nợ).