Cục Thuế Hà Tĩnh tập trung triển khai 06 nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022

PV.

100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và trên 95% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; Giảm tỷ lệ nợ thuế dưới mức 5%... là những mục tiêu quan trọng mà Cục Thuế Hà Tĩnh phấn đấu trong năm 2022. Để đạt được các mục tiêu này, Cục Thuế Hà Tĩnh đề ra 06 nhóm giải pháp trọng tâm tập trung triển khai trong thời gian tới.

Cục Thuế Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Cục Thuế Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Năm 2022, Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết, ngành Thuế tỉnh sẽ phấn đấu giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ, các yêu cầu của người nộp thuế, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính về thuế; 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và trên 95% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán thuế, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp được thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đạt trên 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý nợ, cưỡng chế và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ nợ thuế dưới mức 5%...

Để đạt được các mục tiêu trên, Cục Thuế Hà Tĩnh đề ra các giải pháp trọng tâm gồm:

Một là, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, chính sách thuế; công khai bộ thuế, công tác quản lý và xử lý về thuế của ngành thuế để các tổ chức, cá nhân biết và giám sát việc làm của cơ quan thuế, cán bộ thuế. Phát hiện và xử lý kịp thời các biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết các yêu cầu của người nộp thuế và công dân.

Hai là, triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành luật, khắc phục tình trạng ban hành văn bản có nội dung không rõ ràng, thiếu chuẩn xác; không để xảy ra nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết các công việc; triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; sử dụng có hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với mọi hoạt động không để có phát sinh về thuế nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, trên cơ sở đó tăng thu cho ngân sách nhà nước; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với người nộp thuế không khai thuế, nộp tiền thuế đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế; đôn đốc thu hồi hết nợ thuế, hạn chế nợ mới phát sinh, không để nợ thuế vượt quá mức 5%.

Năm là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính và tư vấn, hướng dẫn chính sách pháp luật về thuế tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh và thực hiện chính sách thuế; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý, tiếp tục thực hiện tốt việc trao đổi thông tin về thuế với người nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; triển khai sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình và kế hoạch được giao, trên cơ sở đó giảm tối đa thời gian, chi phí cho người nộp thuế khi làm việc với cơ quan thuế.

Sáu là, tổ chức các hội nghị đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế đối với người nộp thuế; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế; công khai và xử lý nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách thuế, có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, vi phạm chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ.