Cục thuế Long An: Hướng tới những kết quả khả quan hơn
(Tài chính) Công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Long An trong các tháng còn lại của năm 2013 là rất nặng nề. Tuy nhiên, bằng các giải pháp đồng bộ, tập trung, ngành Thuế tỉnh Long An vẫn tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2013.
Nỗ lực những tháng cuối năm
Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết đánh giá công tác thuế 9 tháng đầu năm 2013 của Cục Thuế tỉnh Long An thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức thấp, tình hình sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ít mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, một số DN giải thể… đã phần nào ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Kết quả thu 9 tháng năm 2013 chỉ đạt 66,5% dự toán và bằng 114,7% so với cùng kỳ.
Những con số trên cho thấy công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Long An trong các tháng còn lại của năm 2013 là rất nặng nề. Khó khăn trên cũng được ghi nhận trên địa bàn cả nước, vì vậy, ngày 8/10/2013, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 3311/TCT-TCCB phát động phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ 3 tháng cuối năm với tinh thần: Tập trung cao độ, đoàn kết, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh khai thác mọi nguồn thu, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013.
Hưởng ứng phong trào thi đua của Ngành Thuế và với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Lãnh đạo Cục Thuế Long An cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp:
Một là, duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt được những khó khăn vướng mắc của DN trong sản xuất kinh doanh, trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hai là, rà soát, đánh giá lại các nguồn thu, phân tích những yếu tố làm ảnh hưởng đến nguồn thu trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ nguồn thu; Đề ra các giải pháp để quản lý nguồn thu phát sinh từ phí, lệ phí; Nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra các DN trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; Đôn đốc thu kịp thời các khoản truy thu đã có quyết định xử lý qua kiểm tra, thanh tra thuế.
Ba là, triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật; Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ thường xuyên sự biến động của các khoản nợ thuế để đôn đốc thu, đặc biệt quan tâm đến các khoản nợ thuế được gia hạn đến hạn nộp để thu nộp kịp thời cho ngân sách nhà nước.
Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, ý thức trách nhiệm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, đồng thời với việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chống gian lận hoàn thuế
Trong số các biện pháp trên, việc phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận thuế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên thực tế, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng và gian lận trong hoàn thuế đối với hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đang là chủ đề nóng ở các tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ. Công tác chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng vì vậy được Cục thuế Tỉnh xác định là một vấn đề rất cấp thiết.
Qua thực tế theo dõi và báo cáo của các chi cục thuế khu vực Đồng Tháp Mười cho thấy có một số đối tượng thành lập DN, công ty kinh doanh các mặt hàng lương thực như: tấm, cám, lúa, gạo... nhưng hoàn toàn không có kho bãi chứa hàng hóa, không có tài sản cố định, không có chứng từ chi phí vận chuyển, bốc xếp liên quan đến hoạt động kinh doanh. DN cũng không thuê mướn lao động, chỉ thuê kế toán ghi sổ và báo cáo thuế; vốn đầu tư đăng ký kinh doanh và quỹ tiền mặt không đảm bảo cho việc kinh doanh với doanh số lớn.
Trong khi đó, DN lại phát sinh doanh thu kê khai rất lớn; hàng hóa đầu vào thể hiện trên hóa đơn đều nhận từ các DN đã có thông báo bỏ trốn tại TP. Hồ Chí Minh, hóa đơn đầu ra được xuất cho các DN trên địa bàn thuộc tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp...; DN mới thành lập nhưng mua, bán hàng hóa với số lượng lớn, nhưng số thuế giá trị gia tăng phát sinh rất thấp.
Từ những dấu hiệu không bình thường, Lãnh đạo Cục Thuế Long An nhận định, các công ty dạng này thành lập chủ yếu là để mua, bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa hàng hóa đầu vào của các DN đầu mối để được khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng. Cục Thuế đã ban hành kế hoạch kiểm tra thuế tại các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn.
Theo đó, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra với 15 công chức do 3 Phó trưởng phòng thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế làm trưởng đoàn và huy động tất cả các công chức đội kiểm tra của 3 chi cục thuế tham gia. Khi triển khai kế hoạch kiểm tra thuế tại các DN có dấu hiệu mua bán hóa đơn, Cục Thuế Long An quán triệt đến mỗi cán bộ thuế rằng, đây không chỉ là công việc chống mua bán hóa đơn bình thường mà là “cuộc chiến” chống gian lận “moi tiền ngân sách”. Do vậy bất kể thời gian, hoàn cảnh nào, cán bộ thuế đều phải vào cuộc.
Những tháng đầu năm, Cục Thuế Long An đã phát giác 69 DN, với số thuế định hoàn hơn 200 tỷ đồng và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đồng hành cùng DN
Việc lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, đặc biệt là các DN cũng được Cục Thuế tỉnh Long An đặc biệt quan tâm. Nhằm giúp các DN nắm bắt kịp thời các chế độ chính sách thuế mới và giải đáp các ý kiến vướng mắc của các DN, Cục Thuế thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chính sách thuế mới cho các DN. Tổng số người nộp thuế đến dự các đợt tập huấn do Cục tổ chức lên đến hàng nghìn người trong năm 2013.Hội nghị tập huấn chính sách thuế mới được Cục Thuế duy trì kịp thời và thường xuyên, song song với việc đăng tin trên website của ngành, thông báo trên báo đài và gửi văn bản đến từng DN… nhằm giúp cho các DN cập nhật nhanh nhất các chính sách thuế mới được ban hành để áp dụng, tránh sai sót xảy ra do không nắm bắt kịp thời chính sách thuế mới.
Với các giải pháp đồng bộ và cụ thể như trên, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức, tin tưởng rằng Cục Thuế tỉnh Long An sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu thu ngân sách năm 2013.