Cục Thuế Ninh Bình: 11 khoản thu đạt từ 50% trở lên so với dự toán trong nửa đầu năm

Việt Dũng

6 tháng đầu năm, ước tính tổng thu nội địa do Cục Thuế Ninh Bình quản lý đạt khoảng 7.059 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

 6 tháng đầu năm, ước tính tổng thu nội địa do cơ quan thuế Ninh Bình quản lý đạt khoảng 7.059 tỷ đồng
6 tháng đầu năm, ước tính tổng thu nội địa do cơ quan thuế Ninh Bình quản lý đạt khoảng 7.059 tỷ đồng

Trong tổng thu nội địa ước khoảng 7.059 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do Cục Thuế Ninh Bình quản lý, có 11/15 khoản thu đạt tiến độ từ 50% trở lên so với dự toán. Đây đều là những khoản thu lớn và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 64,9%; doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 50,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 64,5%; thu ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán; thuế thu nhập cá nhân đạt 76,2%; thuế bảo vệ môi trường đạt 108,3%; lệ phí trước bạ đạt 56,9%; thu từ hoạt động xổ số đạt 53,8%; thu khác ngân sách đạt 78,6%; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi, công sản đạt 78,5%; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận sau thuế ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 57,9%.

Năm 2021, chỉ tiêu phấn đấu  được Tổng cục Thuế giao cho cục Thuế Ninh Bình là 12.751 tỷ đồng, trong đó, thu thuế phí, lệ phí, thu khác ngân sách là 11.551 tỷ đồng; tiền sử dụng đất là 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn 4/15 khoản thu không đạt tiến độ 50% so với dự toán, do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thu, như: Thu từ phí, lệ phí, khoản thu từ tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, khoản thu từ cấp quyền khai khác khoáng sản... 

Lý giải về điều này, Cục Thuế Ninh Bình cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND Tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế, các huyện, thành phố đã phải hạn chế thực hiện đấu giá đất.

Trong khi đó, dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2021 trầm lắng, kém sôi động nhất là trong quý II/2021, khiến số thu tiền sử dụng đất đạt thấp, ước chỉ đạt 407 tỷ đồng, bằng 40,7% dự toán và 27,7% so với cùng kỳ...

Cục Thuế Ninh Bình cho biết, để đạt được kết quả đáng khích lệ trên, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng và giao dự toán sớm, sát với tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với thu hồi nợ đọng và chống thất thu ngân sách của địa phương đã giúp các đơn vị triển khai hiệu quả công tác thuế.

Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện rà soát, phân tích đánh giá tiến độ thu, chỉ ra những khoản thu, sắc thuế, những đơn vị, địa bàn tiến độ thu đạt thấp; phân tích rõ nguyên nhân, những khó khăn vướng mắc, tồn tại hạn chế, từ đó báo cáo và tham mưu với UBND tỉnh nhiều giải pháp. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, sử dụng hiệu quả trang thông tin điện tử Cục Thuế... để phổ biến, tuyên truyền những chính sách thuế mới, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19...

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt so với dự toán được giao, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế tỉnh Ninh Bình còn phải thu trên 4.920 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nền.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài sự tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển tạo điều kiện thuận lợi để thu hút tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào các dự án lớn, có ưu thế về tăng trưởng kinh tế và nguồn thu lâu dài cho ngân sách...

Cơ quan thuế các cấp sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành trong công tác tổ chức thu ngân sách nhà nước; nắm bắt, chia sẻ và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế  phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Chủ động theo dõi sát sao, bao quát hết các nguồn thu, khai thác và đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước; phối hợp với cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường các cấp tập trung rà soát diện tích đất phi nông nghiệp đặc biệt là đất giao mới và đất trúng đấu giá để đưa vào lập bộ quản lý thu thuế...

Cùng với đó, chủ động rà soát, phân loại nợ, theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ để kịp thời đôn đốc vào ngân sách. Tăng cường chống thất thu ngân sách, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá; thực hiện quyết liệt các đề án tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, homestay trên địa bàn... để tăng thu ngân sách...