Cục Thuế Phú Thọ: “Siết” quản lý thuế hoạt động livestream bán hàng
Trước thực trạng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), nhất là hoạt động livestream bán hàng phát triển mạnh, Cục Thuế Phú Thọ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để chống thất thu thuế.
Thu thuế gần 20 tỷ đồng
Cục Thuế Phú Thọ cho biết, đơn vị này đã xây dựng Kế hoạch quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; tham mưu với UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế.
Cục Thuế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thuế, tập huấn cho các sàn TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, phổ biến nội dung quy định về cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định Nghị định số 91/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho các sàn TMĐT.
Cục Thuế tiếp nhận dữ liệu của các cá nhân kinh doanh TMĐT do Tổng cục Thuế chuyển về và thực hiện lọc theo địa bàn để chuyển cho các chi cục thuế rà soát, thu thập thông tin liên quan yêu cầu các cá nhân livestream bán hàng thực hiện kê khai, nộp thuế. Đồng thời, đề nghị ngân hàng thương mại cung cấp sao kê tài khoản của từng người nộp thuế để có căn cứ đấu tranh với người nộp thuế.
Cục Thuế Phú Thọ yêu cầu các chi cục thuế chủ động phối hợp với UBND xã, phường để tìm địa điểm kinh doanh của người nộp thuế; báo cáo Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế cấp huyện, thị, thành phố có biện pháp xác minh xử lý các trường hợp không đến cơ quan thuế để kê khai nộp thuế. Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện các công việc liên quan đến quản lý thuế hoạt động TMĐT.
Nhờ các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ đã thực hiện, người nộp thuế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã nhận thức được nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế đối với doanh thu thu được từ hoạt động livetream bán hàng; một số cá nhân đã tự giác đến cơ quan thuế để thực hiện việc khai, nộp thuế.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế Phú Thọ, trong năm 2023, có 147 cá nhân thực hiện kê khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT, với số thuế nộp gần 7 tỷ đồng. Trong đó, số thuế thu từ cá nhân có hoạt động livestream bán hàng được là hơn 1,2 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, có là 82 cá nhân cá nhân thực hiện kê khai, nộp thuế, với số tiền thuế nộp là trên 10 tỷ đồng; trong đó, số thuế thu cá nhân có hoạt động livestream bán hàng là trên 5 tỷ đồng (bao gồm cả số thuế truy thu các năm trước). Các đơn vị triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream như Chi cục Thuế TP. Việt Trì, Chi cục Thuế khu vực Lâm Thao – Phù Ninh...
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục Thuế Phú Thọ nhận định, thực tế quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, nhất là livestream bán hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước hết, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của không ít hộ, cá nhân chưa cao, còn nhiều cá nhân không hợp tác (nhận được Thông báo của cơ quan thuế nhưng không đến làm việc). Nhiều cá nhân chưa ủng hộ cơ quan thuế trong phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế.
Cùng với đó, việc xác minh cá nhân kinh doanh loại hình này theo thông tin cá nhân để yêu cầu khai nộp thuế cũng rất khó khăn do nơi cư trú của cá nhân không được cập nhật kịp thời trên thông tin của các giấy tờ tùy thân. Nhiều shop online chỉ có tên shop khó xác định được địa điểm kinh doanh…
Để tăng cường quản lý thuế với lĩnh vực này, nhất là hoạt động livestream bán hàng, thời gian tới, Cục Thuế và các chi cục thuế tiếp tục thực hiện các nội dung của Kế hoạch quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này; tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của UBND Tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị, UBND các xã, phường… trong công tác quản lý kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng.
Các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, phổ biến nội dung quy định về kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng cho tổ chức, cá nhân biết, thực hiện, nhất là nghĩa vụ về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế.
Cùng với đó, các chi cục thuế sẽ tổ chức rà soát, đối chiếu nguồn cơ sở dữ liệu với tình hình khai thuế, nộp thuế của tổ chức, cá nhân có hoạt động livestream bán hàng để xác định các trường hợp chưa khai thuế hoặc khai thuế chưa đầy đủ để thực hiện truy thu, xử phạt theo đúng quy quy định.
Trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của người nộp thuế thì cơ quan thuế yêu cầu giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa người nộp thuế và sàn TMĐT...). Hoặc báo cáo thu nhập sẵn có in trực tiếp từ hệ thống của sàn TMĐT và người nộp thuế cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác. Trường hợp đã có cam kết kê khai đầy đủ, sau này các cơ quan chức năng phát hiện kê khai thiếu sẽ xác định là hành vi trốn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục Thuế Phú Thọ cũng sẽ hoàn thiện thủ tục đưa vào bộ thuế để quản lý thu thuế hàng tháng: doanh thu khoán lập bộ căn cứ doanh thu bình quân tháng thời kỳ trước để xác định; xác định rõ hành vi vi phạm để xử lý đối với hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý Thuế. Các chi cục thuế xác định rõ hành vi vi phạm của người nộp thuế để xử lý đối với hành vi trốn thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.
Cục Thuế Phú Thọ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan thuế có cơ chế cung cấp thông tin quản lý các tài khoản livetream trên mạng xã hội về thông tin định danh; phương thức livetream; thông tin chuyển, nhận tiền qua khoản ngân hàng… để cơ quan thuế thống nhất chỉ đạo biện pháp quản lý trên toàn quốc.