Cục Thuế Vĩnh Phúc tăng cường quản lý doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trực tuyến

Thùy Linh

Cục Thuế Vĩnh Phúc thực hiện quản lý thuế thương mại điện tử bằng việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và rà soát đến từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ tăng cường rà soát, xác định các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng.
Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ tăng cường rà soát, xác định các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng.

Thời gian qua, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã tăng cường tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.

Trong đó, đơn vị đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến các thương nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ.

Đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Công Thương và ban hành 70 công văn gửi đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm rà soát, cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8 sàn giao dịch thương mại điện tử của các doanh nghiệp đang hoạt động gồm: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Quốc Tuấn, Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Minh Đức, Công ty TNHH Đầu tư OHD Việt Nam, Công ty TNHH Bibum Việt Nam. Đến nay, các sàn giao dịch này đã thực hiện kê khai báo cáo theo đúng quy định, góp phần tạo dựng cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử toàn quốc.

Đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua hoạt động livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội (như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok), Cục Thuế Vĩnh Phúc đã gửi công văn đề nghị phối hợp đến 39 tổ chức/cá nhân làm dịch vụ Bưu chính, Giao nhận và Chuyển phát trên địa bàn để lấy danh sách khách hàng cung cấp hàng hóa dịch vụ theo hình thức ship/cod phục vụ cho việc khai thác và quản lý cá nhân bán hàng qua hình thức livestream. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông, các ngân hàng thương mại… để lấy được tài khoản, số tiền giao dịch của các cá nhân kinh doanh trực tuyến theo hình thức livestream, từ đó đưa vào quản lý thuế theo đúng quy định.

Hiện nay, Cục Thuế Vĩnh Phúc đang quản lý 83 doanh nghiệp và 578 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số với tổng doanh thu lũy kế là trên 1.000 tỷ đồng, số thuế thu nộp lũy kế đạt trên 7,9 tỷ đồng.

Cục Thuế Vĩnh Phúc cho biết, để tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng và kinh doanh trên nền tảng số nói riêng cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận của người dân. Trong thời gian tới, Cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng và kinh doanh trên nền tảng số  trên địa bàn thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.

Cục Thuế Vĩnh Phúc sẽ tăng cường rà soát, xác định các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng và kinh doanh trên nền tảng số để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Song song với đó là thực hiện xử lý đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số mà chưa thực hiện đúng đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định nhằm mục đích lan tỏa tính nghiêm minh của pháp luật.

Cùng với đó, Cục Thuế cũng tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để kiểm soát doanh thu của các tổ chức/cá nhân kinh doanh nói chung và các tổ chức/cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng và kinh doanh trên nền tảng số nói riêng đảm bảo chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.