11 tỉnh trong danh sách thanh tra quỹ bảo trì, nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết sẽ thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và việc thực hiện dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội tại 11 tỉnh thành trong năm 2022.
Thanh tra diện rộng 11 tỉnh thành
Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên.
Bộ trưởng Xây dựng giao Chánh thanh tra Bộ tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiến hành việc thanh tra chuyên ngành sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, tranh chấp quỹ bảo trì chung cư đang trở thành điểm nóng gây bức xúc tại nhiều dự án và là một trong những vấn đề nan giải.
Đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư.
Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị, buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng, buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở với một số quy định chặt chẽ hơn được cho là sẽ góp phần chặn đứng tình trạng chủ đầu tư chây ì, om 2% quỹ bảo trì nhà chung cư.
Tuy nhiên, dù đã có quy định hướng dẫn nhưng việc cưỡng chế quỹ bảo trì nhà chung cư đối với các chủ đầu tư cố tình “chây ì” là khá nan giải và cần quy trách nhiệm người đứng đầu mạnh mẽ để xử lý triệt để.
Cần quy trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm cho rằng trong những trường hợp như khi chủ đầu tư cố tình chây ỳ không chịu bàn giao phí bảo trì hoặc đã sử dụng số tiền này sai mục đích hay đã phá sản, bỏ trốn thì cũng rất khó khó để cưỡng chế.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn áp dụng quy định này có thể sẽ đối diện với việc các tổ chức tín dụng hay cơ quan thuế không cung cấp, không xác định được tài khoản của chủ đầu tư có tiền hay không có tiền, dẫn đến khi ra quyết định cưỡng chế không thu hồi được hoặc nếu có cũng rất ít.
Vị luật sư cho biết để chấm dứt tình trạng có thể còn có sự “mắt nhắm, mắt mở” các của các địa phương cho những chủ đầu tư cố tình “om” quỹ bảo trì thì thiết nghĩ cần quy trách nhiệm người đứng đầu quyết liệt hơn nữa.
Tương tự, đối với giải pháp xử lý, một khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư liên quan đến quỹ bảo trì, nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc “đến nơi, đến chốn”, xử lý triệt để dẫn đến người dân khiếu kiện thì càng cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, thậm chí đến từng đơn vị chức năng cụ thể, từ xây dựng đến công an.
“Nhìn chung, vấn đề quản lý, khai thác, vận hành nhà chung cư vẫn luôn tiềm ẩn các mâu thuẫn và sẽ còn phát sinh trong thời gian tới. Hành lang pháp lý cần liên tục được điều chỉnh theo hướng rõ ràng, sát với thực tiễn” – Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Với quỹ đất nhà ở xã hội, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung - Giảng viên Cao cấp, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc cho chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn để khuyến khích.
"Doanh nghiệp thay vì phải xây nhà ở xã hội ở trong dự án nhà ở thương mại thì được phép hoán đổi sang một vị trí khác có giá trị tương đương với giá trị thực của quỹ đất 20%. Phương án này sẽ rất có hiệu quả đối với những dự án ở vị trí trung tâm, khu đất vàng” - theo bà Nhung.