Cần cuộc đại cách mạng nhà ở xã hội
Các nghiên cứu dự báo Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 sẽ cần ít nhất 35 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và 22 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.
Mới đây, thông tin Tập đoàn Apec thành lập Tổng công ty đầu tư phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam đã gây tiếng vang trong dư luận.
Doanh nghiệp này cho biết sẽ huy động vốn 10.000 tỷ đồng trong đầu quý 1/2022 và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh HOSE vào 2022, với mã niêm yết: AHC – viết tắt của A Happy City, giá chào sàn không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện tăng vốn điều lên lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Việc xây dựng 10 triệu nhà ở xã hội sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025 sẽ hoàn thành 4 triệu căn hộ, 6 triệu căn còn lại sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030.
Cần chính sách đột phá
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đánh giá hiện nay quá trình phát triển nhà ở xã hội của chúng ta còn nhiều tồn tại. Tại Singapore những mô hình nhà ở "Low cost", "Affortable housing" được chính phủ bảo trợ và phát triển rất đồng bộ.
"Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm chúng ta đặt ra một kế hoạch rất tham vọng là xây dựng 22 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng hiện chỉ xây dựng hơn 17 triệu m2, tương đương 78%. Tuy nhiên, số lượng căn nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh", ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo lẫn nhau. Đặc biệt, nguồn vốn cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 20% tổng nhu cầu vốn cho Nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các doanh nghiệp không mặn mà khi đặt chiến lược phát triển Nhà ở xã hội.
"Khi tôi làm việc với các chủ đầu tư tôi thấy vướng mắc lớn nhất về quỹ đất sạch dành cho Nhà ở xã hội, đây là vấn đề vô cùng quan trọng bởi nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, cuối cùng không thể triển khai dự án. Vấn đề nữa là về quy hoạch cũng rất quan trọng, nếu chúng ta làm tốt quy hoạch dù các khu Nhà ở xã hội tuy ở khu vực vùng ven nhưng nếu kết nối của chúng ta tốt, người dân sẵn sàng về ở", ông Lực nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group cho biết hiện nay nhu cầu Nhà ở xã hội, đặc biệt công nhân tại các khu công nghiệp đang rất lớn khi họ phải sống trong những khu nhà trọ chật chội chỉ trên dưới 10m2. Khởi phát từ mong muốn đem lại cuộc sống an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp, Apec mong muốn tạo quỹ nhà ở giá rẻ phục vụ người dân.
"Chúng ta nhìn thấy tại Singapore những khu nhà ở xã hội còn đẹp hơn nhà ở thương mại. Tại sao chúng ta không làm được. Tôi cho rằng, tại Hà Nội và Sài Gòn chúng ta cần quy hoạch những khu đô thị quy mô xây dựng Nhà ở xã hội. Nếu quyết tâm chúng ta có thể xây dựng những đại đô thị Nhà ở xã hội giá chỉ từ 12-16 triệu đồng/m2", ông Lăng khẳng định.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) mới đây cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước chỉ mới hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020, thu nhập của công nhân (bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các loại phụ cấp khác) trong khoảng từ 6,7 – 7,8 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch câu lạc bộ BĐS Hà Nội, ở thời điểm dịch COVID-19 đang khó khăn nếu thực sự có doanh nghiệp đứng ra để nhận xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là một phương án tốt. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng cần phải xem năng lực của đơn vị này như thế nào, phải cam kết tiến độ, giá cả... Bởi lẽ để xây dựng được 10 triệu căn hộ trong một khoảng thời gian đó là không hề đơn giản.
Mặt khác, ông Điệp cũng cho rằng cần có cơ chế chính sách mở để doanh nghiệp thực hiện dự án. Trong đó cần ban hành các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận.
Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, cũng cần có những tiêu chí, yêu cầu doanh nghiệp cam kết về chất lượng, giá cả và tiến độ thực hiện.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, cần đa dạng hóa nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Trái phiếu xanh, tín dụng xanh cũng là câu chuyện cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. "Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Ánh nhấn mạnh.