Tái cấu trúc công ty chứng khoán giai đoạn 2017-2020:

Củng cố và phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa

Theo Tạp chí Chứng khoán 1/2018

Qua hơn 5 năm triển khai Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) và doanh nghiệp bảo hiểm”, phần lớn các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện, từ đó TTCK đã phát triển ổn định hơn, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 06/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc  TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm”, trước đó ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Qua hơn 5 năm triển khai Đề án, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tái cấu trúc TTCK. Theo đó, phần lớn các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện, từ đó TTCK đã phát triển ổn định hơn, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, tái cấu trúc DNNN.

Năm 2017, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế và những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, những tác động tâm lý tích cực từ các đợt thoái vốn Nhà nước, đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) DNNN và niêm yết các doanh nghiệp lớn, có chất lượng đã thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển mạnh và bền vững của TTCK Việt Nam. Tính đến cuối năm 2017, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với cuối năm 2016, chiếm 70,2% GDP năm 2017 và vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.

Trong năm qua, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng đã từng bước chuyên nghiệp hóa, duy trì hoạt động ổn định và có những tăng trưởng đáng được ghi nhận.

Kết quả tái cấu trúc các CTCK - Cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra

Trên cơ sở ban hành đầy đủ các quy định về phân loại, đánh giá, xếp hạng hoạt động của CTCK, công tác tái cấu trúc các CTCK về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể:

(i) Trên cơ sở phân loại, thực hiện các giải pháp giám sát và xử lý phù hợp đối với từng tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK).

(ii) Giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của các TCKDCK. Bên cạnh đó, đã chú trọng phát triển các tổ chức trung gian trên TTCK để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế. Theo đó, chất lượng hoạt động của các tổ chức trung gian trên TTCK đã được cải thiện, toàn bộ các TCKDCK đã xây dựng quy trình quản trị rủi ro (QTRR), kiểm soát nội bộ. Hầu hết các tổ chức trung gian đang hoạt động đều có tỷ lệ an toàn tài chính (ATTC) đạt trên mức 180%.

Đến cuối năm 2017, toàn thị trường có 79 CTCK  đang hoạt động (giảm 25% so với năm 2010) với tổng số vốn chủ sở hữu đạt trên 55.000 tỷ đồng (tăng 48% so với năm 2010).

Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước ra khỏi các  TCKDCK (CTCK, công ty quản lý quỹ) về cơ bản đã được thực hiện. Cụ thể có Tập đoàn Than khoáng sản, TCT Du lịch Sài Gòn (Sài Gòn Tourist), TCT Chè Việt Nam, TCT Hàng không Việt Nam, TCT Đầu tư và phát triển nhà đô thị (HUD), Tập đoàn Vinashin...

Vẫn còn những khó khăn và hạn chế

Công tác tái cấu trúc hệ thống các CTCK về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu và giải pháp được đề ra trong Đề án tái cấu trúc. Tuy nhiên, xét vai trò và tầm quan trọng của hệ thống các CTCK đối với sự phát triển và ổn định của TTCK thì hệ thống các TCKDCK vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục điều chỉnh. Cụ thể:

Về khung pháp lý cho hoạt động của các CTCK

Một là, Luật Chứng khoán được ban hành từ năm 2006 và sửa đổi năm 2010, trong khi TTCK nói chung và các CTCK nói riêng đã có sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đặt ra yêu cầu cải cách khuôn khổ pháp lý để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các CTCK tham gia hoạt động trên TTCK.

Hai là, hiện tại còn có một số quy định chưa thống nhất giữa Luật Chứng khoán và các Luật khác như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng... do vậy, cần phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.

Về số lượng CTCK

Cho đến nay, số lượng các CTCK vẫn còn khá lớn so với quy mô của thị trường. Một số CTCK về cơ bản không còn hoạt động, hoạt động cầm chừng hoặc đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu dừng mọi hoạt động để tiến hành giải thể nhưng chưa thể rút giấy phép do các công ty này không chủ động xử lý các nghĩa vụ nợ cũng như không thực hiện các biện pháp để tiến hành giải thể.

Về năng lực tài chính, sức cạnh tranh của hệ thống các CTCK

Nhìn chung, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của hệ thống các TCKDCK còn ở mức thấp, thể hiện ở quy mô vốn chủ sở hữu và phạm vi cung cấp dịch vụ. Tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ các CTCK là trên dưới 50.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có 15 CTCK có vốn chủ sở hữu lớn hơn 1.000 tỷ đồng. Các CTCK Việt Nam hiện chưa có đủ năng lực cung cấp dịch vụ chứng khoán ra các nước trong khu vực và trên các thị trường quốc tế.

Về chất lượng quản trị công ty (QTCT), QTRR và kiểm soát nội bộ

Mức độ tuân thủ các chuẩn mực về QTCT theo thông lệ quốc tế chưa đồng đều, còn tiềm ẩn nhiều xung đột lợi ích trong mô hình QTCT. Hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết lập trong toàn bộ các CTCK, tuy nhiên tại nhiều công ty (đặc biệt là các CTCK có quy mô tài chính nhỏ), hệ thống kiểm soát còn mang nặng tính hình thức, chưa hỗ trợ cho ban điều hành phát hiện sai phạm và cảnh bảo rủi ro.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

Thực tế tồn tại của công tác tái cấu trúc CTCK xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế và tồn tại trong việc thực hiện tái cấu trúc các CTCK, đó là do: (i) Kinh tế trong nước giai đoạn 2011 - 2016 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước vấn đề lạm phát, tỷ giá, thị trường bất động sản, tái cơ cấu thị trường tài chính nên việc tái cơ cấu CTCK gặp nhiều khó khăn; (ii) Thị trường tài chính chưa phát triển, do yếu tố lịch sử nên hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò là kênh cung cấp vốn chính cho nền kinh tế và chủ yếu là vốn ngắn hạn và một phần vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, để TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế đòi hỏi phải mất nhiều thời gian do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn tiết kiệm của doanh nghiệp và người dân cũng như việc hình thành và phát triển của các tổ chức tài chính trung gian; (iii) Việc tái cấu trúc TTCK được xác định theo nguyên tắc thị trường, không sử dụng các biện pháp hành chính hay sử dụng NSNN. Do vậy, một số mục tiêu của công tác tái cấu trúc như giảm số lượng, nâng cao chất lượng các TCKDCK phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động của chính các tổ chức này; cơ quan quản lý nhà nước chỉ ban hành các cơ chế chính sách, chỉ đạo, giám sát thực hiện mà không thể trực tiếp can thiệp vào tiến trình này. Do đó, để có thể tái cấu trúc thành công đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp.

Về nguyên nhân chủ quan: (i) Cơ chế, chính sách về phát triển TTCK chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Cơ chế chính sách liên kết giữa thị trường vốn, TTCK với thị trường tiền tệ, tín dụng còn thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện cho các chủ thể huy động vốn thông qua thị trường, chưa tạo cơ chế cho các CTCK phát triển sản phẩm mới, chưa có sự liên thông giữa thị trường vốn, TTCK với thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng ngân hàng; (ii) Các CTCK chưa chủ động và nỗ lực trong việc thực hiện tái cơ cấu do nguồn nhân lực, chi phí, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, mặt khác, một số công ty còn phải khắc phục việc kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn trước. 

Định hướng phát triển TTCK trong thời gian tới

Định hướng phát triển TTCK trong thời gian tới được dựa trên các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, cụ thể:

- Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu “Phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu; giữa trái phiếu chính phủ (CPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)” để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW ban hành theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 đã giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

- Điểm 2 Phần III Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã giao nhiệm vụ chủ yếu “Tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, phát triển TTCK lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới” để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

- Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế liên quan đến thị trường tài chính gồm “Hoàn thành cơ cấu lại và xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu; giữa TPCP và TPDN để đáp ứng yêu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, TTCK phái sinh và tín dụng tiêu dùng. Cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tiền tệ, TTCK đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quan tâm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính” nhằm hoàn thành cơ cấu lại, phát triển cân bằng và toàn diện thị trường tài chính.

Mục tiêu và giải pháp cụ thể của việc tái cơ cấu CTCK

Mục tiêu của việc tái cơ cấu các CTCK đó là củng cố và phát triển các CTCK theo hướng chuyên nghiệp hóa, có đủ năng lực tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực để dần có khả năng cạnh tranh với các TCKDCK trong khu vực.

Trên cơ sở đó, một số những giải pháp được tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực của các CTCK thông qua việc đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức trung gian và đa dạng hóa các hoạt động nghiệp vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Khuyến khích các CTCK nâng cao năng lực tài chính thông qua hợp nhất sáp nhập. Hỗ trợ các CTCK tăng quy mô, tiềm lực tài chính tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài.

Thứ hai, mở cửa thị trường dịch vụ chứng khoán theo lộ trình đã cam kết. Tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới tham gia sở hữu cổ phần trong các CTCK tại Việt Nam.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về QTCT, QTRR và an toàn tài chính (ATTC) theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm củng cố hệ thống, tăng cường khả năng QTRR, đảm bảo hoạt động của hệ thống các CTCK an toàn, ổn định và bảo vệ tối đa tài sản và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán thông qua việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo hành nghề kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực cao nhất.

Thứ năm, phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường đối với thị trường TPCP để tạo tính thanh khoản ổn định trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

Thứ sáu, khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm hình thành và hoạt động để hỗ trợ phát triển thị trường TPDN.