Cùng nông dân Việt “vươn ra biển lớn”
Hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, hàng năm đã đóng góp 18%-20% GDP, 23%-35% giá trị xuất khẩu cho nền kinh tế. Thành tựu đạt được bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có vai trò quan trọng của người nông dân và sự đồng hành tích cực của các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank với nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển “tam nông” chiếm đến trên 51% thị phần toàn ngành Ngân hàng.
Luôn sát cánh cùng bà con nông dân
Sau 30 năm gắn bó đồng hành thủy chung cùng bà con nông dân, nhận thấy những thách thức cũng như sự “bấp bênh” mà người nông dân luôn phải đối mặt trên hành trình hội nhập, Agribank kiên định mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân, hàng năm luôn dành trên 70%/tổng dư nợ đầu tư phát triển “tam nông”. Nhiều mô hình sản xuất lớn trên khắp mọi vùng miền cả nước được hình thành, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình bác Đàm Văn Long (ấp 7, xã An Phú) là một điển hình về tính liên kết giữa nông dân – ngân hàng- nhà khoa học. Gia đình bác Đàm Văn Long đã có quan hệ vay vốn với Agribank (chi nhánh Châu Thành, Bến Tre) hơn 20 năm và hiện tại vẫn đang tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng này.
Trên khu vườn rộng 4 ha, chủ yếu đất đai của ông bà để lại và mua một phần, hiện nay, gia đình bác trồng gần 2.000 cây bưởi da xanh, đem lại giá trị kinh tế rất cao. Để có vườn bưởi da xanh giá trị này, gia đình bác Long đã trải qua nhiều lần cải tạo vườn, thay đổi giống cây ăn trái liên tục. Mỗi lần thay đổi như vậy rất khó khăn về vốn bởi giai đoạn đầu chuyển đổi phải mất 3-4 năm mới cho trái thành quả, trong khi phải đầu tư cơ sở hạ tầng với chi phí nhất định, do đó rất cần ngân hàng hỗ trợ vốn.
Theo bác Đàm Văn Long, nhờ Agribank cung ứng kịp thời nguồn vốn, gia đình đã yên tâm từng bước cải tạo vườn, thay đổi giống, mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục như hệ thống tưới tiêu, hàng rào… Dừa lão hóa, nhãn lỗi thời, ca cao thu nhập ko bằng cây bưởi nên gia đình mạnh dạn chặt bỏ. Bưởi da xanh có chất lượng hàng đầu của gia đình bác được thương lái đến tận vườn thu mua đưa xuất khẩu đi nhiều nước.
Tại một tỉnh thuần nông như Bến Tre, những mô hình sản xuất giỏi như gia đình bác Đàm Văn Long không phải là hiếm. Đồng hành cùng nông dân thời hội nhập, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Agribank Bến Tre đã triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất, nhà cung ứng đầu vào-đầu ra và ngân hàng đối với các sản phẩm chủ lực của Tỉnh (8 loại cây, con theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre). Đến nay, Chi nhánh đã ký hợp đồng tham gia 11 chuỗi liên kết gồm 07 chuỗi thủy sản, 03 chuỗi trái cây, 01 chuỗi nuôi bò…
Chi nhánh cũng đã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh ký kết và thực hiện Chương trình Hợp tác xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Chú trọng cho vay qua tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề truyền thống đối với các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của Tỉnh… Nhờ đó, nông dân Bến Tre có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, chí thú làm ăn, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt thu nhập cao.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, các nông dân còn góp phần tích cực trong giải quyết việc làm tại địa phương, tham gia tốt các hoạt động xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Bến Tre trở thành một trong số địa phương có mô hình trồng cây ăn quả lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nhập thành công trong “sân chơi” toàn cầu
Đồng hành cùng nông dân bứt phá phát triển bền vững thời hội nhập là một trong những mục tiêu kiên định của Agribank. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, bản thân Agribank cũng mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Mặc dù cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác, song Agribank lại gánh trách nhiệm hoạt động trong lĩnh vực có tỷ trọng sinh lời thấp, chi phí cao, một lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh… Chưa kể, mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.
Việc triển khai chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn mặc dù đã có nhiều kết quả ghi nhận, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp những bất cập nhất định trong việc xác định tài sản thế chấp, bất cập trong cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…
Hiện nay, người nông dân vẫn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Với phương thức sản xuất hiện nay đã làm cho chi phí vốn tăng cao và hoạt động của ngân hàng trở nên quá tải. Mỗi cán bộ tín dụng Agribank hiện nay đang phải phục vụ từ 500 đến 1000 hộ nông dân vay vốn và có nơi còn cao hơn.
Để hỗ trợ người nông dân cũng như nâng cao giá trị nông sản, Agribank mong muốn sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia đối với nông sản Việt, đồng thời phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi tạo điều kiện cho người nông dân.
Với 30 năm gắn bó cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mong muốn cùng lực lượng nông dân cả nước “vươn ra biển lớn”, hội nhập thành công trong “sân chơi” toàn cầu, Agribank mong muốn những bất cập của nền nông nghiệp, những trăn trở của người nông dân sớm được tháo gỡ, cùng vì mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.