Chống rửa tiền, tài trợ khủng bố: Vào cuộc, nâng cao thế chủ động
Phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố không còn là câu chuyện riêng của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, được quan triệt thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành… Trong đó, ngành Tài chính nói chung và Hải quan nói riêng hoạt động này luôn được đề cao.
Vào cuộc ở tất cả các ngành
Những năm gần đây, hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố đang ngày càng phát triển nhằm chuyển các quỹ bất hợp pháp qua hệ thống tài chính trên toàn cầu. Để ngăn chặn hoạt động này, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác nhằm chống loại hoạt động phạm tội này.
Phòng, chống rửa tiền,chống tài trợ khủng bố (AML/CTF) ra đời không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn vì chính sự phát triền bền vững của đất nước và nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Chính vì vậy, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạchhành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á–Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã triển khai các biện pháp về chống rửa tiền trong hệ thống các tổ chức tài chính. Cụ thể, mỗi tổ chức tài chính đều có một ban chỉ đạo chống rửa tiền và các quy định riêng về chống rửa tiền.
Thực tế, công tác phòng, chống rửa tiền, chống khủng bố trong ngành ngân hàng là rất quan trọng, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng nên cần được thường xuyên triển khai thực hiện.Vì vậy, các ngân hàng cần xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị phù hợp với phương án phòng, chống khủng bố trong ngành ngân hàng.
Theo đó, công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố phải lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch không để bị động bất ngờ. Bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người và tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động khủng bố, tài trợ cho khủng bố…
Được biết, công tác phòng, chống rửa tiền, chống khủng bố, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hànghiện nay,hầu hết các ngân hàng và một số tổ chức tín dụng đã xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan.
Theo đó, ngành ngân hàng đã tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống ngân hàng nghi tài trợ cho khủng bố. Từ đó tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố.
Hiện nay, Ngân hàng VietinBank là một trong những ngân hàng đầu tiên xây dựng cơ cấu tổ chức tuân thủ phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo 3 vòng kiếm soát, phù hợp với thông lệ quốc tế.
VietinBank đã hoàn thiện cơ chế, chính sách với sự ra đời của quy định khung về phòng chống rửa tiền. Đồng thời xây dựng quy trình báo cáo rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hệ thống VietinBank; Quy trình nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trong hệ thống VietinBank;
Ngoài ra, VietinBank hiện đại hóa công tác báo cáo, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và rà soát lọc danh sách cấm vận; Thường xuyên cập nhật và ban hành nhiều công văn hướng dẫn, cảnh báo rủi ro cấm vận cập nhật theo quy định của Pháp Luật và các cơ quan giám sát phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố quốc tế.
Công tác đào tạo, truyền thông phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cũng được VietinBank đẩy mạnh với nhiều hoạt động như: Nghiên cứu tình huống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong nghiệp vụ, Bản tin phòng chống rửa tiền hàng tháng, tổ chức nhiều lớp đào tạo cơ bản, chuyên sâu, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tổ chức các buổi truyền thông toàn hàng.
Chủ động cao của ngành Hải quan
Với việc luôn xác định, Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong việc ngăn chặn rửa tiền và chống khủng bố toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nên trong thời gian qua ngành Hải quan Việt Nam đã rất tích cực, chủ động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Theo sự phân công, chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng hải quan (Bộ Tài chính) đã tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo chống rửa tiền. Các cán bộ chuyên môn và cán bộ làm công tác kiểm soát trực tiếp tại các chi cục hải quan cửa khẩu tham gia các khóa tập huấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về “Tăng cường năng lực của cơ quan pháp luật và thực thi pháp luật trong công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam”.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đơn vị đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành. Đặc biệt là việc phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước), làm việc với các chuyên gia của lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF) thuộc Văn phòng Chống ma túy và tội phạm (UNODC) của Liên Hiệp quốc, đưa ra các quy định của Việt Nam về chuyển tiền qua biên giới, các phương pháp quản lý; đồng thời cung cấp các số liệu để chứng minh Hải quan Việt Nam hoạt động tích cực và có hiệu quả trong lĩnh vực này.
Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch tiền mặt lớn. Lực lượng hải quan đang phải đối mặt với nhiều thủ đoạn tinh vi chuyển tiền qua biên giới của tội phạm. Nhận thức được điều đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu, đưa ra những cảnh báo về phương thức, thủ đoạn, tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Theo đánh giá của ngành Hải quan, đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành với nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố được nâng lên, việc kiểm soát tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng được các cam kết của khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, để hoạt động chống rửa tiền đạt hiệu quả cao, hiện nay lực lượng kiểm soát hải quan thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng và tổ chức triển khai, hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch phòng, chống rửa tiền của toàn ngành.
Đồng thời, đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với hành khách xuất nhập cảnh; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Phòng chống rửa tiền.
Cùng với đó, ngành Hải quan rất coi trọng công tác đào tạo, biên soạn giáo trình tập huấn về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền để tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát tại các chi cục hải quan cửa khẩu... Tổng cục Hải quan thường xuyên phối hợp với UNODC, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức các khoá tập huấn về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho các cán bộ hải quan tỉnh, thành phố, cửa khẩu trọng điểm. Thông qua hoạt động này, kỹ năng tác nghiệp của lực lượng hải quan được nâng cao, kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ việc vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua biên giới.
Các khóa tập huấn này đã mang đến nhiều kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, cùng các kỹ năng bổ ích về phòng chống tội phạm rửa tiền cho lực lượng chuyên trách chống buôn lậu tại các cục hải quan. Điển hình như việc nhận diện các cách thức buôn lậu tiền mặt, các dấu hiệu nghi vấn khi rà soát các công cụ thanh toán tiền mặt; các phương thức tội phạm thường lợi dụng để chuyển, rửa tiền xuyên quốc gia… Trong năm 2015 lực lượng hải quan đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua cửa khẩu đường bộ, hàng không.
Điều đáng quan tâm là các khóa tập huấn này còn trang bị nhiều kiến thức liên quan đến phòng, chống tài trợ khủng bố; việc rửa tiền dựa vào các hoạt động thương mại, kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có khả năng sử dụng trong hoạt động khủng bố; vai trò của cơ quan tình báo tài chính.