Cuộc chiến chống ung thư toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, số người mắc ung thư trên toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050. Xu hướng gia tăng nguy hiểm này đặt ra thách thức lớn đối với các nước trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Gánh nặng từ căn bệnh ung thư đang ngày một gia tăng trên toàn cầu.
Số liệu do Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) của WHO công bố cho thấy, số ca mắc ung thư tăng nhanh, từ 14,1 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới vào năm 2012 lên 20 triệu ca vào năm 2022.
Ước tính, thế giới sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư vào năm 2050, tăng mạnh so mức của năm 2022. Báo cáo của IARC, dựa trên dữ liệu thu thập từ 185 quốc gia và 36 loại ung thư khác nhau, cũng chỉ ra rằng, căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của khoảng 9,7 triệu người trong năm 2022.
Những nguyên nhân chính khiến làn sóng ung thư ngày càng lan mạnh là việc sử dụng thuốc lá và rượu tràn lan, tình trạng béo phì gia tăng, già hóa dân số và ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
IARC nhận định, ung thư phổi là loại ung thư xảy ra phổ biến nhất trên toàn thế giới với 2,5 triệu ca mắc mới, chiếm 12,4% tổng số ca mắc mới. Tiếp theo lần lượt là các loại ung thư vú ở nữ, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và dạ dày.
Cơ quan nghiên cứu của WHO cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư phổi ngày càng phổ biến có thể là do việc tiêu thụ thuốc lá đã thành thói quen khó bỏ đối với nhiều người dân, nhất là tại khu vực châu Á. Ung thư phổi cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm 18,7% tổng số ca tử vong do ung thư.
Theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ ung thư ở các nước có thu nhập thấp thường cao hơn, trong đó khu vực châu Phi đối mặt thách thức lớn hơn cả từ căn bệnh này.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti nhận định, châu Phi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng về bệnh ung thư, với khoảng 882.000 ca mắc mới trong năm 2022, trong đó số trường hợp tử vong là khoảng 573.000 người.
WHO dự báo số ca tử vong mỗi năm vì ung thư ở châu Phi có thể sẽ tăng lên 1 triệu người vào năm 2030.
Theo bà Moeti, nếu không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, cuộc khủng hoảng về bệnh ung thư sẽ hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người, rút ngắn tuổi thọ trung bình của người dân châu Phi, đồng thời kéo theo nhiều gánh nặng đối với gia đình, xã hội.
Thế giới đang đối mặt tình trạng bất bình đẳng trong phát hiện và điều trị ung thư.
Theo IARC, ở các nước có Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao, tỷ lệ được chẩn đoán mắc ung thư vú ở nữ giới là 1/12, song tỷ lệ tử vong chỉ là 1/71. Trong khi đó, tại những nước có HDI thấp, tỷ lệ được chẩn đoán mắc ung thư vú tuy thấp hơn, ở mức 1/27, song tỷ lệ tử vong lại lên đến 1/48.
Tiến sĩ Isabelle Soerjomataram thuộc bộ phận giám sát ung thư của IARC khẳng định, phụ nữ ở nước nghèo có khả năng được chẩn đoán thấp hơn 50% so với phụ nữ ở nước giàu và không được tiếp cận đầy đủ phương pháp điều trị chất lượng, khiến họ đối mặt nguy cơ tử vong cao hơn nhiều.
Tỷ lệ sống sót sau ung thư ở châu Phi hiện ở mức trung bình là 12%, thấp hơn rất nhiều so tỷ lệ trung bình hơn 80% tại các nước có mức thu nhập cao.
WHO nhận định, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới với gần 10 triệu ca tử vong hằng năm.
Tuy nhiên, theo Quỹ Nghiên cứu ung thư Thế giới (WCRF), hơn 40% số ca tử vong liên quan đến ung thư có thể được phòng ngừa bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, béo phì, lười vận động, rượu bia, nhiễm trùng, ô nhiễm môi trường, chất gây ung thư và bức xạ.
Bên cạnh đó, một số loại như ung thư gan và ung thư cổ tử cung cũng có thể dự phòng hiệu quả thông qua việc tiêm vaccine chống lại virus viêm gan B và HPV.
Ngoài ra, việc bảo đảm người dân được tiếp cận bình đẳng với kiểm tra sàng lọc và điều trị cũng là chìa khóa quan trọng để kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân và giảm thiểu nguy cơ tử vong.