Cuộc chiến thương mại: Đừng ai mong hưởng lợi

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Những tín hiệu khả quan hiện tại của Mỹ và một số nước không thể che lấp những thách thức dài hạn họ đối mặt, nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn.

CNBC nhận định cuộc chiến thương mại đang đè nặng áp lực lên sự tăng trưởng của Trung Quốc. Nguồn: internet.
CNBC nhận định cuộc chiến thương mại đang đè nặng áp lực lên sự tăng trưởng của Trung Quốc. Nguồn: internet.

Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng tài chính các quốc gia tại Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vẫn tránh đề cập đến các rủi ro thương mại ngày càng lớn vì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, chưa tìm thấy giải pháp tháo gỡ. Những ảnh hưởng của cục diện này đối với tình hình trong khu vực cũng bị bỏ ngỏ.

Thương mại chỉ được nhắc đến vắn tắt trong bản tuyên bố 1.800 từ, đưa ra sau cuộc họp cấp bộ trưởng của APEC tại Port Moreby, Papua New Guinea, ngày 17/10. Theo đó, tuyên bố nhận định rằng xung đột thương mại và địa chính trị cùng với nhiều vấn đề khác đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Gần đây, một loạt các doanh nghiệp gia công hàng hóa từ Trung Quốc đang tìm đến các quốc gia có nguồn nhân công rẻ hơn, nhằm đối phó với mức áp thuế của Mỹ. Một trong những khu vực đột nhiên “vớ bở” là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Về ngắn hạn, tình hình hiện nay có vẻ đang là cơ hội cho chúng ta.

Những ảnh hưởng từ trung đến dài hạn

Dường như mỗi thành viên APEC đều có suy tính riêng về những rủi ro phải đối mặt từ cuộc chiến thương mại. Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, ông Alan Bollard cảnh báo rằng sẽ không có lối thoát cho bất kỳ ai trong cuộc đối đầu này, kể cả các quốc gia tưởng chừng như hưởng lợi từ nó trong ngắn hạn. Ông nói: “Các quốc gia này đang cảm thấy lạc quan trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng về trung hạn, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, bắt nguồn từ sự bấp bênh do những méo mó thương mại tạo ra. Hàng hóa sẽ càng lúc càng phải sản xuất tại những địa điểm đắt đỏ hơn, trong khi đáng lẽ phải ngược lại”.

Giáo sư chuyên ngành kinh tế quốc tế của đại học Thammasat, bà Pavida Panonond, vừa qua cũng có những phân tích trên tờ Bangkok Post. Bà cho rằng thuế quan ngày càng nặng đánh lên các sản phẩm trung gian sẽ khiến ảnh hưởng tiêu cực ngày một rõ rệt. Thương mại và đầu tư quốc tế ngày nay chịu sự chi phối của dòng hàng hóa trung gian. Chúng tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu đối với vô số ngành công nghiệp.

Đối với nền thương mại tích hợp như hiện tại, các đòn trả đũa bằng thuế và rào cản thương mại sẽ đánh cả trực tiếp và gián tiếp vào các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Những hệ quả trực tiếp, trong đó xét riêng về thương mại, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc.

Về dài hạn, những hệ quả gián tiếp sẽ còn tác động sâu rộng hơn, nếu cuộc đối đầu này dẫn tới sự sa sút của cả hai cường quốc. Hai đối thủ chính trong cuộc chiến thương mại cũng là nơi xuất khẩu chính của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, một số quan điểm lạc quan hơn vẫn được bàn đến trong kỳ họp APEC vừa qua, rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ không leo thang hơn nữa. Các ảnh hưởng cũng sẽ ít nặng nề hơn nếu nhu cầu trong nước đóng vai trò là động lực chính cho sự phát triển.

Nguy cơ cho sự phát triển bền vững của hai ông lớn

Trong khi nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng từ và phần nào đó phụ thuộc vào sức khỏe kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, bản thân hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng đang đối mặt với những bất ổn đe dọa sự phát triển bền vững của mình.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố bản báo cáo mới nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Báo cáo này quan sát 140 nền kinh tế dựa trên 98 chỉ tiêu bao gồm yếu tố xã hội, chính trị và kinh tế. Lần đầu tiên sau 10 năm, Mỹ lần nữa trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.

Thế nhưng, WEF vẫn báo động nền kinh tế Mỹ đang bị đe dọa bởi tổ chức xã hội ngày càng yếu ớt, nạn tham nhũng, cộng thêm các vấn đề về an ninh và công nghệ thông tin. Cường quốc này cũng đang tụt lại sau các nền kinh tế phát triển khác trong lĩnh vực sức khỏe. Tuổi thọ trung bình ở Mỹ thua các nước như Nhật và Singapore đến 6 năm.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Bắc Kinh ngày 19/10 thông báo tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn mức kỳ vọng, với nhịp độ yếu nhất kể từ quý đầu năm 2009. CNBC nhận định cuộc chiến thương mại đang đè nặng áp lực lên sự tăng trưởng của quốc gia này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,5% trong quý III/2018.  Con số này thấp hơn dự đoán 6,6% của Reuters. Số liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,7% hàng của các quý trước.

Ngay cả khi xem thị trường nội địa là cứu cánh, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Theo Reuters, nhu cầu trong nước đã suy giảm nhiều do chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Donald Trump. Vị tổng thống này đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc thay đổi chính sách về quyền sở hữ trí tuệ, trợ cấp công nghiệp và thương mại. Chiến dịch của ông Trump bắt đầu khiến thu nhập từ xuất khẩu của cường quốc châu Á sụt giảm.

Bắc Kinh đang nỗ lực để tăng tốc nền kinh tế có vẻ như dần chậm lại của mình. Hàng loạt chính sách hỗ trợ ra đời cùng với lập trường mềm dẻo hơn để tránh rủi ro. Tất cả để chuẩn bị cho toàn bộ ảnh hưởng từ các đòn trả đũa ngày càng nặng tay từ Mỹ.

Với tình hình chung như hiện nay, những quốc gia tưởng chừng như đang phát triển thuận lợi, nhưng thực chất vẫn chưa phải là phát triển bền vững.