Người Trung Quốc bắt đầu thắt chặt chi tiêu vì chiến tranh thương mại

Theo Võ Quyền/nhadautu.vn

Đánh thuế lên hàng nhập khẩu Mỹ đang đẩy tốc độ lạm phát của Trung Quốc tăng lên một cách đáng ngại.

  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một nông trại ở tỉnh Hắc Long Giang hồi tháng Chín. Ảnh: Tân hoa xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một nông trại ở tỉnh Hắc Long Giang hồi tháng Chín. Ảnh: Tân hoa xã

Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, hoạt động mua sắm tăng trưởng chậm, thị trường chứng khoán suy thoái, còn đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Giữa bối cảnh đó, cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không có dấu hiệu hạ nhiệt càng khiến người dân Trung Quốc cảm thấy bi quan hơn.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần tác động lên giá cả hàng hóa ở Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại đối với người tiêu dùng trong nước. Ba mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất là ô tô, đồ điện tử, và đậu tương.

Theo báo cáo hôm thứ Ba của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 9 tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất trong vài năm qua nếu không tính tới dịp Tết Nguyên Đán.

Dù lạm phát chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, việc Bắc Kinh liên tục đánh thuế đáp trả lên hàng nhập khẩu Mỹ đóng vai trò lớn hơn cả. Kể từ vòng thuế quan đầu tiên được đưa ra, mức thuế được áp dụng lên ô tô có xuất xứ từ Mỹ đã tăng lên 40%. Nhà sản xuất buộc phải đặt một phần trách nhiệm lên vai người tiêu dùng. Một chiếc xe điện Model S của hãng Tesla tăng giá từ 710.000 tệ lên thành 850.000 tệ (123.000 USD). Sản phẩm của các hãng như BMW hay Daimler cũng tăng từ 4- 7%.

Một trong những công ty sản xuất linh kiện Mỹ lớn nhất ở Trung Quốc, 3M cũng tăng giá sản phẩm từ 3- 5%. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá động thái này sẽ khiến giá cả của đồ điện tử ngày càng tăng cao, căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của 3M tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ tác động tiêu cực đối với những nhà sản xuất smartphone nội địa, khi mà các tập đoàn như Huawei, OnePlus, Oppo, Vivo đều có tham vọng dần đưa điện thoại “Made in China” thống lĩnh thị trường thế giới. Năm ngoái, Huawei Technology của Trung Quốc đã đánh bại Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu. Giờ đây, họ đặt mục tiêu giành lấy vị trí số một của Samsung.

Ở một khía cạnh khác, Bắc Kinh đang chạy đua để kiềm chế lạm phát trước khi nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là với mặt hàng đậu tương.

Trong chuyến khảo sát một trung tâm nghiên cứu công nghiệp ở tỉnh Hắc Long Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu phải quyết tâm tăng sản lượng đậu tương và nhấn mạnh vai trò của loại nông sản này lên đối với kinh tế.

Đậu tương được sử dụng để sản xuất dầu ăn và thức ăn cho lợn, hai thực phẩm được sử dụng nhiều nhất trong thực đơn hàng ngày của người Trung Quốc. Giá thịt lợn và dầu ăn bởi vậy có tác động đáng kể lên chỉ số CPI.

Trung Quốc hiện nhập khẩu tới 90% lượng đậu tương tiêu thụ, một phần ba trong số đó tới từ Mỹ. Áp thuế lên nông phẩm Mỹ vô hình chung đã ảnh hưởng tiêu cực lên ngành nông nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc giá đậu tương tăng từ 10-20% trong năm nay đang đặt rất nhiều áp lực lên ngành chăn nuôi. Theo truyền thông Trung Quốc, hiện nông dân mất tới 200 tệ cho mỗi con lợn bán ra. Giá thịt lợn vốn được bình ổn trong nhiều năm, nay cũng đã tăng thêm 40% bất chấp nhiều nỗ lực trợ giá tới từ chính phủ.

Bắc Kinh đặt mục tiêu cắt giảm 10 triệu tấn đậu tương nhập khẩu trong năm nay, nhưng tính tới cuối tháng 9, con số này chỉ nằm ở mức 1,4 triệu tấn.