Khả năng Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ

Theo TTXVN

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang, báo cáo mà Bộ Tài chính Mỹ sắp công bố về chính sách tiền tệ của các đối tác được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại năm 2015 của Mỹ, một quốc gia/khu vực bị Washington xác định là thao túng tiền tệ cần thỏa mãn 3 điều kiện:

Thứ nhất, có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (từ 20 tỷ USD trở lên). Thứ hai, có thặng dư lớn về tài khoản vãng lai (từ 3% GDP trở lên). Thứ ba, liên tục can dự vào tỉ giá hối đoái theo một hướng, tức là thông qua việc mua vào tài sản nước ngoài để phá giá đồng nội tệ và tổng lượng mua tài sản nước ngoài trong 12 tháng tương đương 2% GDP. 

Trong trường hợp quốc gia/khu vực đó thỏa mãn 2 điều kiện hoặc thâm hụt thương mại của Mỹ đối với quốc gia/khu vực này chiếm tỉ trọng quá lớn trong tổng thâm hụt thương mại của Mỹ thì Washington sẽ đưa quốc gia/khu vực đó vào danh sách theo dõi nhằm cải thiện tình hình.

Căn cứ theo 3 điều kiện nêu trên, Trung Quốc thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Năm 2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lên tới hơn 375 tỷ USD. Con số thống kê mới nhất do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy trong tháng 8/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 31 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ, phá vỡ kỉ lục thặng dư thương mại với Mỹ trong 1 tháng lập hồi tháng 6/2018 (28,9 tỷ USD), đồng thời vượt xa mức 20 tỷ USD quy định trong Luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại năm 2015. 

Còn về điều kiện thứ 2 và thứ 3, cuối năm 2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc vào khoảng 1,38% GDP, Bắc Kinh cũng không can dự liên tục và theo 1 hướng vào tỉ giá hối đoái. Do vậy, về lý mà nói, muốn đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, trước tiên Mỹ phải sửa đổi điều kiện nêu ra trong Luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại năm 2015. Nhưng đây có phải là cách duy nhất?

Khi tranh cử, tỷ phú Donald Trump tuyên bố nếu trúng cử sẽ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên. Sau đó, việc liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ nằm trong chương trình hành động 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Nhưng rốt cuộc, việc đó đã không xảy ra và như biện hộ của ông chủ Nhà Trắng trên trang cá nhân Twitter rằng: “Trung Quốc đang hợp tác với chúng ta trong vấn đề Triều Tiên, tại sao tôi lại liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ”. Gần đây, ông Trump dường như đã thay đổi thái độ với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Nếu để ý sẽ thấy sự đối lập đó xảy ra cùng với sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington ngày 4/10 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích toàn diện và rõ ràng các hành vi của Trung Quốc mà theo phía Mỹ là không chính đáng. 

Phát biểu này được so sánh với phát biểu “Bức màn sắt” của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill ngày 5/3/1946 mở màn cho Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng Mỹ-Trung vì thế được nhận định sẽ "tăng nhiệt", nhất là trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. 

Trong bối cảnh đó, việc liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ có thể giúp Washington có thêm cớ gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh và dường như Washington đã sớm chuẩn bị cho việc này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 30/8, Tổng thống Trump nói thẳng rằng phía Mỹ đang theo dõi chặt chẽ công thức tính toán tỉ giá để nhận định Trung Quốc và các nước khác có thao túng tiền tệ hay không. 

Quan trọng hơn, trong báo cáo bán niên đưa ra hồi tháng 4/2018, Bộ Tài chính Mỹ chỉ rõ: để xác định một nước nào đó thao túng tiền tệ chỉ cần dựa vào tiêu chuẩn của một bộ luật, không cần phải xem xét tiêu chuẩn của bộ luật khác. 

Trong khi đó, Luật Thương mại và cạnh tranh năm 1988 của Mỹ cũng có thể được sử dụng để xác định hành vi thao túng tiền tệ. Đặc biệt, tiêu chuẩn đưa ra trong bộ luật vẫn còn hiệu lực này rất linh hoạt, chỉ cần dựa trên xem xét một số dữ liệu như dự trữ ngoại tệ, chính sách tiền tệ, lạm phát, hành vi kiểm soát vốn…

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bắc Kinh có thể xem xét cách đối phó với cuộc chiến này thông qua việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dựa vào sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) để kích thích xuất khẩu.

Ngày 9/10, chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Maurice Obstfeld không tỏ ra quan ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc bảo vệ đồng nội tệ của nước này bất chấp tình trạng sụt giảm gần đây của đồng NDT. Bắc Kinh sẽ cần phải có hành động cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chính.

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc về biến động tỉ giá đồng NDT trong cuộc họp báo quy mô hẹp mới đây, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, Long Guoqiang cho biết các chính sách kinh tế vĩ mô chủ yếu xem xét các chỉ số vĩ mô như tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ việc làm và thất nghiệp, mức giá và cán cân thanh toán quốc tế. 

Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc và cán cân thanh toán quốc tế, nó sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ông Long Guoqiang nói: "Chính sách tiền tệ phải tính đến những tác động này, từ đó tìm ra biện pháp đối phó thích hợp”.