Cuộc chiến trên mặt trận công nghệ
Hàng loạt "ông lớn" công nghệ Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng cho thấy hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tái định hình thế giới công nghệ.
Khi cuộc chiến thương mại hướng sang 'mặt trận' công nghệ, các công ty công nghệ của Trung Quốc đã bị cuốn vào căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa hàng loạt công ty, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen, đứng đầu là Huawei.
Mỹ mạnh tay đưa hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen"
Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký ngày 15/5/2019 đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với công nghệ thông tin và viễn thông do nước ngoài thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc cung ứng. Sắc lệnh cho rằng “các đối thủ nước ngoài ngày càng tạo ra và khai thác các điểm yếu về công nghệ cũng như dịch vụ thông tin và viễn thông”.
Sắc lệnh khẩn cấp đã trao quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ gây rủi ro cho các công nghệ và dịch vụ viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Ngoài ra, sắc lệnh cũng nhắm tới mục tiêu ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực công nghệ có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Mỹ hoặc sự an toàn của người dân Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ được yêu cầu công bố tên của tất cả các công ty hoặc các công nghệ bị cấm theo sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống Trump, đồng thời xây dựng một cơ chế thực thi. Quá trình này ước tính sẽ phải mất ít nhất vài tháng.
Danh sách đen “Entity List” của Bộ thương mại Mỹ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ.
Với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Mỹ cũng sử dụng các biện pháp trừng phạt tương tự nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Tập đoàn Công nghệ Huawei. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã tìm cách ngăn Huawei tiếp cận các nhà sản xuất chip của nước này.
Lệnh cấm khẳng định tập đoàn công nghệ Huawei "liên quan đến các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc các chính sách đối ngoại của Mỹ".
Hãng tin Reuters cho biết những công ty bị liệt trong "danh sách đen" nếu muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải có sự chấp thuận của chính quyền Mỹ nhưng điều này không dễ dàng.
Các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ đang tập trung vào các mảng trí tuệ nhân tạo và nhận diện, cũng là những lĩnh vực mà các công ty sản xuất chip của Mỹ như Nvidia và Intel đầu tư rất mạnh.
Hôm 22/5/2020, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đưa thêm 33 công ty và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen vì đã giúp Bắc Kinh giám sát người Duy Ngô Nhĩ hoặc có quan hệ với chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.
7 công ty và hai tổ chức Trung Quốc bị Mỹ liệt kê vào danh sách đen vì đã "đồng lõa với các vi phạm nhân quyền trong chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao chống lại người Duy Ngô Nhĩ" cùng những người khác, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo cho biết.
24 công ty, tổ chức chính phủ và tổ chức thương mại còn lại trong danh sách đen bị Mỹ cáo buộc đã hỗ trợ thu mua các thiết bị để quân đội Trung Quốc sử dụng.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã có động thái tương tự khi đưa 28 công ty và cơ quan an ninh công cộng Trung Quốc bao gồm công ty phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu là Hikvision, vào danh sách trừng phạt.
Đến cuối tháng 10, "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ, gồm các công ty bị cho là có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, đã có hơn 200 cái tên từ lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Trong số đó, có nhiều cái tên mới, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI đang lên của nước này như SenseTime và Yitu.
Quan hệ Mỹ - Trung từ đầu năm nay lại xấu đi khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19. Mới đây nhất, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải chứng minh họ không chịu sự kiểm soát của một chính phủ nước ngoài hồi giữa tuần.
Nếu không chứng minh được, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Điều này có nguy cơ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba hay Baidu bị hủy niêm yết trên sàn New York và Nasdaq.
Ở diễn biến mới nhất, chính phủ Mỹ cáo buộc 11 công ty Trung Quốc đối xử tàn tệ với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng tự trị Tân Cương. Trong danh sách này có một đối tác của Google, một nhà máy sản xuất màn hình là công ty con của nhà cung cấp cho Apple và một hãng sản xuất quần áo đã bị chuỗi siêu thị Costco cắt hợp đồng.
Một số công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận không nổi tiếng trên phạm vi quốc tế, nhưng có quy mô khá lớn. Những tập đoàn này có doanh thu ít nhất 11,7 tỷ NDT (1,68 tỷ USD) và đạt lợi nhuận hơn 420 triệu NDT (gần 60 triệu USD) trong năm 2019.
Mới đây, Ủy ban thượng viện về an ninh nội địa Mỹ nhất trí phê duyệt đề xuất cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.
Theo đó, Đạo luật Không TikTok trên Thiết bị Chính phủ được Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley trình hồi tháng ba và được Ủy ban Vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện thông qua ngày 22/7. Dự luật sẽ được đưa ra biểu quyết ở toàn thượng viện.
Dự luật này cấm nhân viên, nhà thầu liên bang, nhà lập pháp tải xuống hoặc sử dụng TikTok và tất cả ứng dụng khác của tập đoàn ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh trên bất kỳ thiết bị nào do chính phủ cung cấp.
Cuộc đua trên mặt trận công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Bên cạnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua nhằm làm chủ nhiều lĩnh vực công nghệ tương lai, như mạng 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Mạng 5G hứa hẹn tốc độ cao, băng thông lớn và hỗ trợ những cơ sở hạ tầng thiết yếu, điều đó khiến nó trở thành công nghệ quan trọng hàng đầu với hai nước. Bắc Kinh đã đề ra hàng loạt kế hoạch trong những năm gần đây, nhằm mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong công nghệ.
Nước này chuẩn bị công bố kế hoạch 15 năm mang tên "Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035", đề ra những phương án thiết lập quy chuẩn toàn cầu về công nghệ tương lai. Đây được coi là tầm nhìn dài hạn tiếp nối "Sản xuất tại Trung Quốc 2025", kế hoạch 10 năm nhằm chiếm lĩnh thị trường sản xuất công nghệ cao thế giới.
Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 vạch ra những yêu cầu, luật lệ và thông số kỹ thuật nhằm quy định hàng loạt công nghệ sẽ vận hành như thế nào. Khả năng áp đặt và thực thi những tiêu chuẩn này sẽ mang lại nhiều quyền lực cho Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào những công nghệ như 5G và AI, sử dụng nguồn tiền khổng lồ của chính phủ cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) nhằm cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Năm 2017, Trung Quốc chi 496 tỷ USD vào R&D, so với 549 tỷ USD tại Mỹ.
Nước này cũng lần đầu đăng ký nhiều bằng sáng chế hơn Mỹ khi có 58.990 bằng sáng chế quốc tế, so với 57.840 của Mỹ, theo số liệu được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới công bố.
Một số chuyên gia cảnh báo những kế hoạch của Trung Quốc cũng nhằm mục tiêu tăng cường ảnh hưởng quốc tế, phục vụ mục tiêu vượt mặt Mỹ, tỏ ý lo ngại sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể lôi kéo chính phủ nhiều nước vào xây dựng tiêu chuẩn công nghệ quốc gia theo hướng đi của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang liên tục công kích bằng những biện pháp như liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, gây áp lực với đồng minh để buộc họ ngừng hợp tác với Trung Quốc.
Mỹ đã cấm cửa công nghệ 5G của Huawei, dù Anh và nhiều nước châu Âu cho phép tập đoàn Trung Quốc tham gia phát triển mạng lưới viễn thông.
Hồi năm ngoái, chính phủ Mỹ cũng củng cố các điều luật ngăn những công ty trong danh sách đen được sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Mỹ, tạo ra sự phân chia rõ ràng giữa những nhà sản xuất Mỹ và khách hàng Trung Quốc được họ cung cấp thiết bị suốt nhiều năm qua.
Năm 2020 được cho là năm mà công nghệ 5G trở thành xu hướng chủ đạo. Nhưng sự lây lan của COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đã có những tác động lớn đến việc triển khai mạng 5G ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi việc triển khai 5G và theo báo cáo về di động mới nhất của Ericsson cho thấy sự tăng trưởng thuê bao 5G trên toàn cầu chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng đã có những động thái can thiệp ở cấp liên bang trong việc đề xuất giảm thuế và tìm kiếm các công ty Mỹ để tăng cường xây dựng và phát triển công nghệ 5G của chính họ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đã cố gắng kìm hãm tham vọng 5G của Trung Quốc, chủ yếu thông qua việc hạn chế thiết bị từ Huawei, nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu thế giới. Các quan chức Mỹ từ lâu đã lo lắng rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để do thám công dân Mỹ và các đồng minh.
Nhưng những động thái mới nhất của chính phủ Mỹ có thể gây phản tác dụng và làm tổn hại nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng 5G trên toàn thế giới đồng thời cũng làm chậm việc triển khai 5G của Mỹ và có thể làm phân mảnh thị trường.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc những tháng qua liên quan tới thương mại và COVID-19 cho thấy hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tái định hình thế giới công nghệ, không chỉ giới hạn trong mạng Internet.
Ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu đang chia rẽ với hàng loạt lĩnh vực chịu ảnh hưởng, từ sản xuất thiết bị bán dẫn cho mọi thiết bị điện tử đến phát triển AI mà nhiều chính phủ và doanh nghiệp sử dụng, cũng như triển khai vệ tinh liên lạc và trinh sát trên quỹ đạo. Tuy nhiên, sự chia rẽ này đã cắm rễ trong ngành công nghệ từ lâu.