Căng thẳng Mỹ-Trung đe dọa lĩnh vực thương mại và công nghệ toàn cầu

Theo Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Nếu Mỹ-Trung không thể hóa giải những khác biệt về thương mại thì đó sẽ là “đòn giáng” vào các nhà xuất khẩu hai nước và các nền kinh tế châu Á đang cung cấp nguyên liệu, linh kiện cho Trung Quốc.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi chính là thương mại.
Lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi chính là thương mại.

Là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã đan xen chặt chẽ.

Tuy nhiên, căng thẳng ngày càng leo thang trong mối quan hệ Mỹ-Trung đang trở thành mối đe dọa không chỉ với kinh tế của hai nước này, mà còn với phần còn lại của thế giới.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Trung Quốc, đã phải đóng cửa vào ngày 27/7.

Đây là kết quả của việc Trung Quốc trả đũa Mỹ sau khi Wasinhgton yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán ở Houston hồi tuần trước.

Giữa lúc chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang “nóng” lên, giới phân tích cho rằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi chính là thương mại.

Cả hai nước đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến thuế quan nổ ra vào năm 2018 liên quan tới tham vọng công nghệ và thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Nếu các cuộc đàm phán tiến tới việc chấm dứt tranh chấp thương mại thất bại, hoạt động thương mại toàn cầu có thể phải đối mặt với áp lực sụt giảm, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lao đao bởi đại dịch COVID-19.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của các nhà xuất khẩu Mỹ, đồng thời còn là một thị trường “khổng lồ” về hàng hóa và dịch vụ được các công ty lớn của Mỹ, từ General Motors đến Burger King đặt làm nơi sản xuất.

Kim ngạch nhập khẩu nông sản, chất bán dẫn và các hàng hóa khác của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 11,4% trong năm 2019, song vẫn vượt quá 100 tỷ USD.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang giúp tạo công ăn việc làm cho gần 1 triệu người Mỹ, mặc dù con số đó đã giảm 10% so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2017.

Bởi vậy, nếu cả hai nước không thể hóa giải những khác biệt về thương mại, thì đó sẽ là một “đòn giáng” không chỉ vào các nhà xuất khẩu của họ, mà còn vào các nền kinh tế châu Á khác đang cung cấp nguyên liệu và linh kiện cho các nhà máy của Trung Quốc.

Công nghệ cũng là lĩnh vực được lưu ý đặc biệt trong mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, máy tính, y tế và công nghệ khác của Mỹ và Trung Quốc cũng như các thị trường mà họ hoạt động đều có sự liên quan mật thiết.

Các tên tuổi lớn của ngành công nghệ Mỹ như Apple, Dell, Hewlett-Packard và nhiều hãng khác đang dựa vào các nhà máy Trung Quốc để lắp ráp hầu hết các mẫu điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.

Những nhà máy này lại cần chip xử lý và các linh kiện khác từ Mỹ, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu.

Các động thái mới đây, bao gồm việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế tập đoàn công nghệ “khổng lồ” Huawei của Trung Quốc tiếp cận các linh kiện và thành phần công nghệ của Mỹ, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và gây tổn hại hàng tỷ USD cho các nhà cung cấp, đặc biệt là các công ty ở Thung lũng Silicon.

Trung Quốc là thị trường hàng đầu của Apple và các thương hiệu công nghệ khác của Mỹ. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng đang trở thành đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh về công nghệ với các thương hiệu điện thoại thông minh, thiết bị y tế và các lĩnh vực khác của Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ vốn được xem là thị trường hàng đầu tiêu thụ hàng hóa có giá trị gia tăng cao nhất của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi các nhà xuất khẩu nước này tìm thị trường khác, nhưng các nhà phân tích cho rằng thị trường châu Á và thậm chí châu Âu đã không mua được hàng hóa có giá trị cao như vậy.