Cuộc đua hút dòng vốn FDI từ các nước trong khu vực ASEAN

Theo Ngọc Hà/enternews.vn

Cuộc đua thu hút FDI từ các nước trong khu vực ASEAN đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi mới đây Thái Lan đã kiến tạo các gói hỗ trợ các công ty nước ngoài muốn chuyển khỏi Trung Quốc.

Thái Lan đang thiết kế các gói hỗ trợ nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó có Thái Lan. Nguồn: ASEAN Briefing.
Thái Lan đang thiết kế các gói hỗ trợ nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó có Thái Lan. Nguồn: ASEAN Briefing.

Theo đó, các gói hỗ trợ này sẽ được thiết kế một cách chi tiết để phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, các gói hỗ trợ này cũng phải linh động và có thể thương lượng.

Việc Thái Lan “trải thảm đỏ” để đón các công ty rời khỏi thị trường Trung Quốc được giới kinh tế cho rằng là nhằm chiếm lợi thế so với các quốc gia ASEAN khác trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy ngày càng mạnh ra khỏi Trung Quốc. Cường độ của dòng chảy này tỷ lệ thuận với mức độ căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Những nỗ lực này của Chính phủ Thái Lan theo như Tổng Thư ký BoI Duangjai Asawachintachit cho biết cơ quan này đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài 24,5 tỷ USD trong năm 2019, chú trọng vào các công ty muốn chuyển cơ sở sản xuất khỏi từ Trung Quốc.

Không chỉ có Thái Lan, mà trước đó vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc cũng đã thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài mới. Luật này được các chuyên gia quốc tế đánh giá là "cởi mởi" hơn trước đây rất nhiều.

Cụ thể, Luật đầu tư mới được thiết kế nhằm thay thế các luật hiện hành về liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài, được kỳ vọng có thể trấn an các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó, cấm các hành vi cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, xem sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào các hoạt động kinh doanh của những công ty này là bất hợp pháp.

Tại Việt Nam, thực tế đang chứng minh dòng vốn đầu tư FDI có xu hướng tìm đến. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20,22 tỷ USD, bằng 88,1% so với cùng kỳ năm 2018, tính đến 20/7/2019. Trong bối cảnh này, nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "Từ thực tiễn của hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong suốt những năm qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải có những quan điểm mới để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp bối cảnh mới ngày nay".

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, là “ngôi sao đang lên”, nên rất cần thiết phải đặt ra các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng các dự án FDI. 

Thực hiện Nghị quyết, không chỉ số lượng, mà chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI sẽ nâng lên một bậc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá.

Quan trọng hơn, Nghị quyết đã chỉ rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới, đó là các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của các tập đoàn lớn…

Theo GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư nước ngoài khác với đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, còn đầu tư trong nước là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, có chất lượng hơn, đăc biệt là tiếp nhận các dự án đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam phải có môi trường đầu tư tốt hơn Trung Quốc hay một số nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia...

Theo báo cáo đầu tư quốc tế World Investment Report 2019, tổng số các dự án FDI toàn cầu được công bố trong ngành dịch vụ đã tăng 43% lên 473 tỷ USD. Có sự gia tăng lớn trong cả ngành xây dựng và sản xuất điện. Vốn FDI trong ngành xây dựng đã tăng 84% lên 113 tỷ USD.

Sự tăng trưởng trong FDI chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam, Singapore, Indonesia, và Thái Lan. Các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là tài chính, bán lẻ và thương mại bán buôn, bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số, tiếp tục củng cố dòng vốn tăng lên cho tiểu vùng này. 

Việt Nam hiện đang đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore (đứng thứ 5 toàn cầu) và Indonesia (đứng thứ 18 toàn cầu).