Cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đang gây sức ép lên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, các quốc gia OPEC+ thậm chí đang gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu sản lượng đã đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hối thúc OPEC tăng sản lượng

Ngày 24/11 vừa qua, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol đã kêu gọi OPEC+ đưa ra những biện pháp nhằm giúp hạ giá dầu xuống mức hợp lý.

Ông Birol cho biết: "Tôi rất hy vọng họ sẽ có các cuộc họp để đưa ra những bước đi cần thiết để làm dịu thị trường dầu mỏ toàn cầu và giúp hạ giá xuống mức hợp lý".

Người đứng đầu IEA - tổ chức quy tụ những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ - cũng cho rằng Nga có thể dễ dàng tăng xuất khẩu sang châu Âu khoảng 15% và làm dịu đáng kể thị thường khí đốt châu Âu.

Trước đó, vào ngày 22/11, Mỹ cũng lên tiếng thúc giục OPEC+ tăng sản lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lương như hiện nay. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trong buổi họp báo cho biết: "Trong mọi trường hợp, chúng tôi cố gắng làm việc với OPEC để đảm bảo nguồn cung cấp dầu đáp ứng nhu cầu".

Trước những thông tin Mỹ sẽ sử dụng một phần dự trữ chiến lược của Mỹ để hạ giá dầu, bà Jen Psaki khẳng định, Chính phủ Mỹ dù có sử dụng nguồn dự trữ dầu chiến lược hay không cũng sẽ kêu gọi OPEC "xắn tay" cùng giải quyết khủng hoảng năng lượng bằng cách tăng sản lượng dầu khai thác.

Trên thực tế, ngày 23/11 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố chính thức sẽ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ các Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với sự phối hợp cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh, để cố gắng hạ nhiệt giá dầu. Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái phối hợp như vậy với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới ở châu Á.

Theo thông báo, Mỹ sẽ xuất kho 50 triệu thùng dầu, tương đương nhu cầu của Mỹ trong vòng 2,5 ngày. Ấn Độ cũng cho biết nước này sẽ tung ra 5 triệu thùng. Trong khi đó, Anh cho phép giải phóng 1,5 triệu thùng từ các nguồn dự trữ tư nhân. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số lượng và thời gian xuất kho dầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa được công bố.

Nỗ lực của Mỹ phối hợp với các nền kinh tế lớn ở châu Á để giảm giá năng lượng như một lời cảnh báo đối với OPEC và các nhà sản xuất lớn khác rằng họ cần giải quyết mối lo ngại về giá dầu thô cao, vốn tăng hơn 50% cho đến nay trong năm nay.

Giá dầu thô gần đây đã chạm mức cao nhất trong bảy năm, và người tiêu dùng đang hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực do đà tăng phi mã của chi phí nhiên liệu. Giá xăng bán lẻ đã tăng hơn 60% vào năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000, do nhu cầu đi lại gia tăng khi các hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra giảm bớt.

Giá dầu cao được cho là do nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Điều này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi liệu việc giải phóng kho dầu dự trữ có đủ để kiềm chế đà tăng giá của “vàng đen” này hay không.

Trên thực tế, ngay sau thông báo mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ, giá dầu thế giới trong phiên 23/11 tăng lên mức cao của một tuần. Theo đó, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,61 USD (3,3%) lên 82,31 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD (2,3%) lên 78,50 USD/thùng. Theo các nhà phân tích, đà tăng của giá dầu đã phản ánh những nghi ngờ về việc liệu động thái của Chính phủ Mỹ có làm thay đổi đáng kể tác động qua lại giữa cung và cầu trên thị trường dầu thô toàn cầu hay không. Họ cho rằng biện pháp trên không đủ mạnh để hạ giá dầu và thậm chí có thể phản tác dụng nếu động thái này thúc đẩy OPEC+ làm chậm tốc độ tăng sản lượng.

Không còn dư địa để tăng sản lượng

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi và gây sức ép từ các quốc gia khác, OPEC và các đối tác dường như không còn dư địa để tăng sản lượng.

Trên thực tế, tổ chức dầu mỏ này đã rút lại quyết định giảm nguồn cung được đưa ra năm năm 2020. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã hối thúc OPEC+ giảm sản lượng vào năm 2020, khi giá dầu giảm mạnh và đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Tổ chức này đã đồng ý cắt giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu - một con số kỷ lục.

Khi nhu cầu tăng trở lại nhanh hơn dự kiến, chính quyền Tổng thống Joe Biden lại liên tục gây sức ép với OPEC+ để tăng nguồn cung, với lý do giá dầu thô tăng cao có thể cản trở đà phục hồi của thế giới.

Sau đó, OPEC+ cho biết từ tháng 8 mỗi tháng sẽ tăng sản lượng từ từ thêm 400.000 thùng/ngày, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022 nếu tăng quá nhanh sản lượng.

Vấn đề là hiện tổ chức này thậm chí còn không thể đạt được mục tiêu này. Hiện nay, do các tác động của đại dịch Covid-19 và do vấn đề môi trường, chỉ có 3 thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung.

OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận về chính sách sản lượng.