Cuộc nổi dậy ở châu Âu
(Tài chính) Châu Âu một lần nữa làm náo loạn thị trường toàn cầu, nhiều quốc gia lớn ở châu Âu đang nổi loạn chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đến Milan vào hôm 16/10 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh với các đối tác châu Á, họ mỉm cười khi chụp ảnh chung, bất chấp những tin tức tài chính ảm đạm trong tuần này khi thị trường chứng khoán suy sụp và chi phí đi vay tăng lên, đặc biệt ở Hy Lạp, gợi lên những ký ức về cuộc khủng hoảng đồng euro hai năm trước.
Sự chia rẽ trong lòng châu Âu
Tuy nhiên, trong những năm qua, các quốc gia khu vực đồng euro nghe theo yêu cầu của Đức để cắt giảm thâm hụt ngân sách nhưng đã phải chịu thảm cảnh khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 2 con số và tăng trưởng sụp đổ. Bây giờ, Pháp, Italy và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kết hợp lại thành một khối chống lại Thủ tướng Đức Angela Merkel và họ khẳng định rằng Berlin đã làm thay đổi hành trình.
"Chúng ta cần phải thấy rằng châu Âu có khả năng tăng trưởng không chỉ bằng cách thắt lưng buộc bụng và những chính sách tài khóa chặt chẽ”, Thủ tướng Italy - Matteo Renzi, nói với các phóng viên bên ngoài trung tâm hội nghị sau khi chủ trì khai mạc Hội nghị thượng đỉnh. Ông mô tả tình hình tài chính quốc tế đang "rất tế nhị" và cho biết châu Âu vẫn chưa giành được niềm tin của thị trường quốc tế.
"Như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nói, chúng ta cần tập trung vào tăng trưởng", ông nói khi đề cập đến IMF.
Sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo châu Âu đang diễn ta tại một thời điểm mà đáng ra cần phải có sự đoàn kết. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến thị trường lo lắng. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm được một công cụ để phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao đáng kinh ngạc.
Viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu mang lại một cảm giác khó chịu không mong muốn cho Washington và phần còn lại của thế giới khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, sự phục hồi vẫn còn mong manh của Mỹ và cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết. Các nhà đầu tư tài chính dường như đã quên mất cuộc khủng hoảng châu Âu trong năm 2008 và 2010, bây giờ lại có vẻ lo lắng về sự thiếu bền vững trong tăng trưởng và khả năng rơi vào bẫy giảm phát của Lục địa già.
"Đây là giai đoạn thứ ba của cuộc khủng hoảng", François Godement - một nhà phân tích tại Ban quan hệ đối ngoại thuộc Hội đồng châu Âu cho biết.
Sự đối đầu giữa Đức và phần còn lại của châu Âu
Về mặt chính trị và kinh tế, trung tâm của châu Âu vẫn là Đức và nhân vật trung tâm của nước này, bà Merkel vẫn đang được sự hỗ trợ của ông Jens Weidmann, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức - một người ủng hộ kỷ luật tiền tệ và tài chính lâu dài. Đức là lực lượng kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro, nhưng bây giờ đó lại là chướng ngại vật. Vai trò của Đức như là cơ quan thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng đã khiến một số cường quốc khác tại châu Âu vừa sợ hãi nhưng cũng vừa đồng thời chỉ trích Đức.
Pháp trong thời hiện đại là đối tác không thể thiếu của Đức trong việc quản lý khủng hoảng châu Âu, hiện đang ở cận kề cuộc nổi dậy và Tổng thống François Hollande đã gia nhập lực lượng với ông Renzi, người đã trình bày một ngân sách mở rộng vào năm 2015, mà trong đó sẽ cắt giảm thuế bất chấp sức ép từ Brussels trong mục tiêu đáp ứng thâm hụt ngân sách.
Mario Draghi- Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nhấn mạnh, Đức cần phải làm giảm bớt kỷ luật ngân sách và chi tiêu nhiều hơn vào công trình công cộng để kích thích nền kinh tế khu vực đồng euro. Người Pháp đã cổ vũ ông Mario Draghi. Các nhà lãnh đạo Đức đã phản đối, trong đó có việc phản đối ra mặt các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn mà các nhà phân tích mong đợi ECB sẽ sớm triển khai.
Ông Weidmann ngày càng trở nên xa lạ với các thành viên khác tại Hội đồng quản trị của ECB trong việc ông từ chối tán thành mua quy mô lớn trái phiếu chính phủ - một hình thức kích thích kinh tế mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sử dụng để giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Bế tắc chính trị đang đe dọa các nhà đầu tư quốc tế, những người lo ngại rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang rời xa nhau hơn bao giờ hết về việc làm thế nào để kéo nền kinh tế của khu vực này ra khỏi suy thoái lâu dài và rằng ECB sẽ không có quyền tự do thực hiện những biện pháp đặc biệt cần thiết để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khác.
"Việc Đức chống lại ECB theo đuổi chính sách tích cực hơn là một trong những điều khiến thị trường lo ngại", ông Holger Schmieding - nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức nói.
Bà Merkel cho biết, thời điểm này đang bộc lộ sự cứng nhắc trong cuộc đối đầu với các đối tác khác về chính sách khu vực đồng euro.
Trước khi đến Milan, bà Merkel từ chối bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tài chính nào, bao gồm cả yêu cầu của Pháp về các biện pháp linh hoạt hơn trong việc đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, thậm chí ở Đức, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang cảm thấy thất vọng khi các nhà hoạch định chính sách không có câu trả lời về nguy cơ tình trạng giảm phát và nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi.
"Khu vực tư nhân ở Đức có cảm giác chính phủ đã không đi đúng hướng", ông Nicola Leibinger Kammüller - Giám đốc điều hành của Trumpf (Đức), một nhà sản xuất thiết bị sử dụng tia laser để cắt kim loại nói.
Hiện thị trường đang bi quan về tăng trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc, dịch Ebola, xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Nhưng nay nhà đầu tư vẫn lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng euro.
Chi phí đi vay dài hạn của Hy Lạp đã tăng lên gần 9%, từ mức 7% vào hôm 15/10, mức cao nhất kể từ tháng Giêng. Điều này gợi lại ký ức khó chịu về những ngày đen tối của năm 2010, trái phiếu của Hy Lạp bị bán tháo, cuộc khủng hoảng nợ và tăng trưởng nhanh chóng lan sang các quốc gia khác bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy và thậm chí Ireland.
Tuy nhiên, bất chấp những mâu thuẫn xung đột đó, có những dấu hiệu nhỏ cho một cuộc hòa giải châu Âu. Các Bộ trưởng tài chính Pháp và Đức gặp nhau tại Berlin vào hôm 20/10 để cố gắng trấn an người dân rằng họ có thể tiếp tục làm việc cùng nhau. Trong một bài phát biểu gần đây tại quốc hội, Thủ tướng Đức Merkel đã không loại trừ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mà không mâu thuẫn với mục tiêu cân bằng ngân sách của nước này.