Cuộc tìm kiếm MH370 tốn ít nhất 30 triệu USD

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Các nước đã chi ra ít nhất 30 triệu USD để tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370, trong đó Australia và Mỹ là hai nước tốn kém nhiều nhất.

Không quân New Zealand quần thảo vùng biển nghi máy bay MH370 rơi ở Ấn Độ Dương. Ảnh: AFP
Không quân New Zealand quần thảo vùng biển nghi máy bay MH370 rơi ở Ấn Độ Dương. Ảnh: AFP

26 nước đã tham gia vào cuộc tìm kiếm MH370 kéo dài một tháng qua kể từ khi máy bay biến mất trong không trung sáng sớm 8/3 trên đường từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh.

Khi khu vực tìm kiếm được chuyển từ Biển Đông đến vùng xa xôi ở phía nam Ấn Độ Dương, các tàu và máy bay hiện đại của nhiều nước đã được triển khai, trong đó có Trung Quốc, Australia, Malaysia, Mỹ, Anh, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ví dụ, riêng hôm qua có 12 máy bay quân sự và dân sự, cùng 14 tàu quần thảo trong khu vực rộng xấp xỉ 234.000 km vuông.

Các chính phủ và chuyên gia quân sự nhận định rất khó để đưa ra được một ước tính đầy đủ về chiến dịch tìm kiếm đang diễn ra, nhất là khi có nhiều chi phí thông thường nhằm duy trì hiệu quả năng lực tìm kiếm cứu hộ. AP dẫn nhận định của một nhà phân tích cho rằng ít nhất 30 triệu USD đã được đầu tư cho cuộc tìm kiếm này.

Bộ Quốc phòng Mỹ phân bổ 4 triệu USD để hỗ trợ việc tìm kiếm máy bay của hãng hàng không quốc gia Malaysia. Từ 8 đến 24/3, Mỹ chi 3,2 triệu USD, phát ngôn của bộ Steve Warren cho biết. Cuối tuần qua, nước này chi thêm 148.000 USD nữa.

Lầu Năm góc cũng phân bổ 3,6 triệu USD cho việc sử dụng thiết bị dò tín hiệu hộp đen dưới nước và một phương tiện không người lái dưới nước có khả năng rà quét tìm mảnh vỡ ở sâu dưới bề mặt đại dương.

Bộ Quốc phòng Australia cho hay chi phí trực tiếp cho việc sử dụng tàu HMAS Success vào cuộc tìm kiếm là khoảng 550.000 USD một ngày, còn tàu HMAS Toowoomba là 380.000 USD một ngày. Ngoài những chi phí trực tiếp bao gồm phí nhiên liệu, phục vụ và lương cho thủy thủ đoàn, Australia còn tiêu tốn một lượng tiền nữa vào những chi phí gián tiếp như phí điều hành chung, phí xây dựng và khấu hao tài sản, nên rất khó để đưa ra một tổng số chính xác.

Trong khi đó, Malaysia nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi về chi phí tìm kiếm MH370. Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein nói rằng con số mà nước này bỏ ra là không đáng kể và mục tiêu quan trọng vẫn là tìm kiếm máy bay, đồng thời hỗ trợ cho thân nhân của 239 người trên khoang.

Một số tàu và máy bay Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm phi cơ Boeing 777-200 nhưng Bộ Ngoại giao nước này từ chối tiết lộ về số tiền đã chi.

Geoff Davies, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng New Zealand, cho biết phần lớn chi phí của nước này được trích ra từ nguồn ngân sách sẵn có dành cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Tuy nhiên, New Zealand có thể phải chịu thêm một vài chi phí phát sinh do tính chất phức tạp của cuộc tìm kiếm MH370.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết không thể đưa ra con số nào vì cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn. Chi phí của Tokyo cho hoạt động này được tin là rơi vào khoảng 8,8 triệu USD thuộc ngân sách dành cho cứu trợ khẩn cấp của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Các khoản chi phát sinh bao gồm phí nhiên liệu và trợ cấp đặc biệt cho gần 90 binh sĩ liên quan. Một số người dân Nhật Bản cũng tham gia chiến dịch này và chính phủ cho hay việc ăn ở cũng như đi lại của họ tiêu tốn khoảng 280.000 USD.

Quân đội Nhật Bản được ăn ở miễn phí tại các căn cứ của quân đội Australia theo hiệp ước hợp tác quốc phòng giữa hai nước.