Cuối năm 2020 sẽ bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Tại Nghị quyết 01 của Chính phủ cho biết phấn đấu đến cuối năm 2020 kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cơ bản đáp ứng Basel II.

 Cuối năm 2020 sẽ bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Nguồn: internet
Cuối năm 2020 sẽ bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Nguồn: internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, Nghị quyết yêu cầu thực hiện hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc.

Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.

 Cuối năm 2020 sẽ bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước  - Ảnh 1

Cuối năm 2020 sẽ bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Mới đây, phát biểu tại Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối thiểu 70% trong ba năm (2018-2020) để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng.

Theo ông Thành, nếu làm được như vậy, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.

Ba năm gần đây, Vietcombank không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mà chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% và vốn điều lệ nằm nguyên ở mức 35.977 tỷ đồng. Tới đầu năm 2019, Vietcombank được tăng vốn 3% lên gần 37.100 tỷ nhờ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cũng đề xuất Chính phủ xem xét tăng vốn bằng cổ phiếu sau khi đã bán cổ phần thành công cho đối tác ngoại KEB Hana Bank. Ông đề nghị các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cần đơn giản hơn.

Theo ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch VietinBank cho biết, nguồn tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại theo tính toán cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tăng trưởng cần thiết của nhà băng này. Nên sau khi được tăng vốn bằng giữ lại lợi nhuận, VietinBank sẽ cần được cơ quan quản lý phê duyệt thêm các phương án tăng vốn tiếp theo.

Đối với trường hợp khác là Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết nếu không tăng được tăng vốn và áp dụng cơ chế đặc thù, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng. Do đó, ông đề nghị sớm được bổ sung vốn theo phương án đã trình.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/09/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM Nhà nước vẫn ở mức thấp nhất hệ thống.

Vốn tự có của các NHTM Nhà nước đạt 293.736 tỷ đồng, tăng 9,36% so với thời điểm 31/12/2018; hệ số CAR của nhóm NHTM Nhà nước tăng từ mức 9,52% năm lên 9,78%.

Tuy nhiên, hệ số CAR của nhóm NHTM Nhà nước vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân 12,02% của toàn hệ thống và kém xa so với nhóm NHTM cổ phần (10,81%) và nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài( 24,84%).