Cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp

Nguyệt Hà

Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải gắn với đơn giản hóa và cương quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà, bỏ cơ chế xin cho, giảm thời gian, chi phí, tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo. Ảnh: VGP
Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo. Ảnh: VGP

Sáng 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đã chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.

Triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực

Theo Ban Chỉ đạo, sau 4 tháng thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, đã nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính của cả nước tháng 4 đạt 50,4%; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.525 dịch vụ công trực tuyến. Tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt 101 ngàn tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin tháng 4/2025 ước đạt hơn 423.000 tỷ đồng, tăng trưởng 44,41% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số chứng thư chữ ký số đã cấp tính đến ngày 12/5/2025 là hơn 17 triệu…

Đề án 06 được thúc đẩy sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP
Đề án 06 được thúc đẩy sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước (4 tháng đầu năm 2025 đã xử lý 1,3 tỷ hóa đơn, tăng 15%); thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (4 tháng đầu năm 2025 đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 19%).

Đến nay, đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và Bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (với 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử); mở rộng triển khai Học bạ số; đã có trên 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về thí điểm chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chưa chuyển biến rõ rệt; việc ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thiếu quyết liệt; cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương chuyển biến rất chậm; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...

Cùng với đó, việc xây dựng, ban hành chương trình đẩy mạnh sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong 10 lĩnh vực trọng điểm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hoàn thành xây dựng giải pháp, công cụ để giám sát các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, kết quả xét nghiệm. Các bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn ở mức thử nghiệm, quy mô nhỏ, chưa hiệu quả thiết thực…

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số

Các Bộ, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: VGP
Các Bộ, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: VGP

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, khẳng định chuyển đổi số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc, tốc độ Internet thuộc top 20 nước trên thế giới, cho phép triển khai internet vệ tinh Starlink; thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ; công nghiệp ICT có bước phát triển khá với xuất khẩu sản phẩm công nghệ số 4 tháng đầu năm 2025 đạt 49,4 tỷ USD; thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp; công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng cũng khẳng định, triển khai Đề án 06 được thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường quản lý xã hội và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, với 58/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được triển khai và 200 thủ tục hành chính có thể cắt giảm thành phần hồ sơ…

Để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06, Thủ tướng cho rằng phải gắn với đơn giản hóa, cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà; bỏ cơ chế xin - cho; giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển; triển khai thần tốc, hiệu quả, có tính bứt phá toàn diện; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển.

“Mục tiêu trọng tâm thời giới tới là “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 với tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; bố trí kinh phí, bảo đảm mục tiêu dành 3% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số gồm: đột phá về thể chế số; đột phá về hạ tầng số và đột phá về nhân lực số”, Thủ tướng phân tích.

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung số hóa toàn diện các hoạt động. Ảnh: VGP
Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung số hóa toàn diện các hoạt động. Ảnh: VGP

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06. Tập trung số hóa toàn diện các hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ công chức, viên chức; khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm tổ chức bộ máy sau sắp xếp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không để khoảng trống pháp lý…