Cựu Phó tổng giám đốc Vinalines ra trước vành móng ngựa

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ngày 27/2, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC, thuộc Vinashin) và Công ty TNHH Vận tải Biển Đông, thuộc Tổng công ty (TCT) Hàng hải Việt Nam Vinalines.

Các bị cáo trong phiên xét xử. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Các bị cáo trong phiên xét xử. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Trong số 5 bị cáo đứng trước vành móng ngựa, có Bùi Quốc Anh, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Biển Đông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines. Ngoài ra, còn có bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên là Phó Tổng giám đốc Công ty VFC. Ông Hiệp đang phải thi hành bản án 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Vinashin mà bị cáo chính là Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin 

Nhóm 5 bị cáo khi được giao thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi mua nhiều tàu như tàu Energy, tàu Biển Đông Star, tàu Melody, tàu Victory, tàu Vạn Hưng, đã ký khống hợp đồng để rút tiền trái pháp luật. Hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại 4,78 tỷ đồng cho Công ty Biển Đông.

Về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi tàu Energy, tháng 12/2005, Bùi Quốc Anh có tờ trình đề nghị TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam phê duyệt chủ trương mua tàu theo kế hoạch của TCT để mở rộng khai thác các lĩnh vực dịch vụ vận tải biển và phát triển đội tàu.

Cũng trong tháng 12/2005, Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam có công văn chấp thuận. Sau khi được chấp thuận, Bùi Quốc Anh bàn với Hồ Ngọc Tùng, Hoàng Gia Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty VFC) thuê Công ty VFC lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Hai bên thỏa thuận khi nào dự án được phê duyệt, Công ty Biển Đông mua được tàu thì mới ký hợp đồng tư vấn để làm thủ tục thanh toán tiền cho Công ty VFC.

Hoàng Gia Hiệp chỉ đạo nhân viên Trần Hương Linh viết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mua tàu Energy.

Tháng 5/2006, dự án được lập xong, Công ty Biển Đông trình Tổng giám đốc Vinashin và được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, trong đó hạng mục lập Báo cáo nghiên cứu khả thi là 94.180 USD.

Bùi Quốc Anh và Hoàng Gia Hiệp thỏa thuận sau khi Công ty Biển Đông trả tiền cho Công ty VFC thì Công ty VFC phải rút ra trả lại cho Công ty Biển Đông 50%, Công ty VFC chỉ được hưởng 50% (750 triệu đồng).

Để hợp pháp việc lại quả, Bùi Quốc Anh đã bàn với Hoàng Gia Hiệp và bị cáo Đỗ Thị Bích Thủy (Kế toán trưởng Công ty Biển Đông) ký hợp đồng khống với đơn vị thầu phụ và chuyển trả tiền cho Công ty Biển Đông qua đơn vị thầu phụ.

Thủy đã tìm đến Ngô Văn Nhuận (nguyên là Phó Tổng kiểm toán trưởng Nhà nước khu vực 7) để nhờ tìm một công ty để ký hợp đồng khống. Thông qua các mối quan hệ, Nhuận đã giúp Công ty Biển Đông mua được hóa đơn Giá trị gia tăng và dùng Giấy chứng nhận đăng ký kinh danh của Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt để ký hợp đồng khống với giá trị 1,15 tỷ đồng.

Sau khi số tiền này về tài khoản của Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt (thực chất là tài khoản do Nhuận nhờ mở để rút tiền ra), Nhuận đã rút tiền ra chia chác.

Hoàng Gia Hiệp khai được phía Công ty VFC chia cho 350 triệu đồng, cá nhân Hiệp được 50 triệu đồng, Hồ Ngọc Tùng được 100 triệu đồng và một số cá nhân khác. Tuy nhiên, Hồ Ngọc Tùng đã bỏ trốn cho nên các khoản chi này chưa có căn cứ xác định. Do đó, Hoàng Gia Hiệp phải chịu trách nhiệm về 50 triệu đồng như đã khai nhận.

Bùi Quốc Anh khai số tiền Công ty Biển Đông được Công ty VFC chi cho là 400 triệu đồng, Bùi Quốc Anh trả cho Hồ Ngọc Tùng là 200 triệu đồng, còn lại chi cho Hoàng Gia Hiệp là 50 triệu đồng, chi cho Đỗ Thị Bích Thủy 150 triệu đồng chi ngoại giao...

Như vậy, Hoàng Gia Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty VFC và Hồ Tùng Anh, Tổng giám đốc Công ty VFC được xác định đã phạm vào tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên do Hồ Tùng Anh đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra sẽ giải quyết sau khi bắt được.

Cơ quan công tố xác định Hoàng Gia Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty VFC lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của Công ty VFC số tiền 50 triệu đồng qua việc ký khống hợp đồng tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tàu Energy. Hành vi của Hiệp đã phạm vào tội Tham ô tài sản khung hình phạt 7 – 15 năm tù giam.

Trước đó, vào tháng 8/2013, Hoàng Gia Hiệp đã lĩnh án 13 năm tù giam vì phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Vinashin.