Đã có cơ sở giảm lãi suất cho vay vào dịp cuối năm

Theo kinhtevadubao.vn

Một số ngân hàng thương mại lớn đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây sẽ là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Một số ngân hàng thương mại lớn đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Một số ngân hàng thương mại lớn đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho biết điều này tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/10.

Lý giải thực tế này bà Hồng cho rằng, bước vào năm 2016, khi cầu trong nước tăng trưởng trở lại, tín dụng tăng nhanh từ đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng trở lại thì câu chuyện điều hành lãi suất là vấn đề rất khó khăn.

Thậm chí, những tháng đầu năm, trên thị trường xuất hiện xu hướng một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động tăng thì rất khó để giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với doanh nghiệp, sau đó yêu cầu và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổ chức điều hành, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích nền kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh đó, “Ngân hàng Nhà nước nhận thấy điều kiện thị trường là như vậy thì mục tiêu đầu tiên đặt ra là ngăn chặn xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay.

Vì thế, về phía điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp”, Phó thống đốc lý giải.

Điều này, là động thái nhằm giúp các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản thì có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa chỉ đạo của của Thủ tướng về giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04, là chỉ thị xuyên suốt với Chỉ thị 01, chỉ đạo tác tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Trên có sở đó, hiện tại một số ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng và thời hạn cụ thể. Tuy nhiên theo quy luật, những tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, cho nên trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn theo dõi rất sát để có thể điều hành.

Thực tế, năm 2016 khi cầu trong nước tăng trở lại, tín dụng tăng nhanh từ đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng. Chuyện điều hành lãi suất là vấn đề khó khăn, nhất là theo hướng giảm lãi suất.

Do vậy, ngân hàng nhà nước đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó để giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Vì vậy, các hoạt động điều hành Ngân hàng Nhà nước là theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý.

Thực tế, đó là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này nhằm giúp cho các tổ chức tín dụng nếu khó khăn thanh khoản thì tiếp cận thị trường liên ngân hàng, không quay ra tăng lãi suất huy động, góp phần thúc đẩy để giảm lãi suất cho vay.

Liên quan đến tình hình điều chỉnh lãi suất huy động, mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố, từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nêu trên được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ  đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN, ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.