Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì sự tăng trưởng tích cực, với tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục được duy trì sự tăng trưởng tích cực
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều khó khăn khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, không thuận lợi.
Việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ 90 đối tác thương mại lớn kể từ ngày 2/4/2025 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, thương mại quốc tế; làm suy giảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng trở nên gay gắt, kéo theo làn sóng áp dụng các biện pháp thuế quan và rào cản thương mại mới.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục được duy trì sự tăng trưởng tích cực, với kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) và các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đạt mức tăng trưởng cao.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị một số giải pháp. Theo đó, ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ đàm phán Thỏa thuận thương mại đối ứng với Hoa Kỳ, hướng tới một quan hệ thương mại công bằng, cân bằng và bền vững.
Đồng thời, khai thác hiệu quả 17 Hiệp định/thỏa thuận thương mại đã ký kết để thúc đẩy tăng trưởng. Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, xung đột trong quan hệ kinh tế thương mại, qua đó góp phần ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình triển khai, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để chủ động có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới
Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc nghiên cứu các thị trường mới, tiềm năng, còn dư địa khai thác tại Trung Đông, châu Phi, Châu Mỹ Latinh... Thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới (tại châu Âu là FTA với khối Hiệp hội thương mại tự do châu Âu - EFTA; châu Mỹ là FTA với khối Mercosur; châu Á là FTA với các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh - GCC, Ấn Độ, Pakistan; châu Phi là FTA với Ai Cập, Liên minh Thuế quan Nam châu Phi - SACU).

Đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực trao đổi, đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định thương mại gạo cấp Chính phủ với 05 đối tác Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Brazil.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học, đổi mới sáng tạo để xây dựng phát triển các ngành công nghiệp mang tính nền tảng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ trong công tác theo dõi tình hình, để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp về các xu thế mới trên bình diện quốc tế, khu vực và song phương, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc triển khai các chiến lược, chính sách quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cũng như trong công tác phản ứng chính sách. Đồng thời kịp thời thông tin tới các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường để doanh nghiệp có thể nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp.
Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Hiệp hội ngành hàng trong công tác bảo vệ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác giao thương; nghiên cứu mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước tại các địa bàn tiềm năng như Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Ai-len, Bangladesh, Colombia; cùng với đó, mở chi nhánh Thương vụ tại Frankfurt - Đức, Thượng Hải - Trung Quốc, Busan - Hàn Quốc, Mumbai - Ấn Độ, Vancouver - Canada.