Đa dạng nguồn lực cho dự án đường sắt tốc độ cao, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước
Vấn đề cân đối nguồn vốn khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại phiên họp chiều 20/11 của Quốc hội. Theo các đại biểu, số vốn đầu tư dự án rất lớn, do đó, cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối huy động nhiều nguồn lực để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Tránh để đội vốn, bù lỗ
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều quốc gia phát triển đưa vào sử dụng vài chục năm trước đây, mang lại phương tiện giao thông hiện đại, thuận lợi cho người dân, cho người lao động và khách du lịch, nhà đầu tư quốc tế.
Theo Đại biểu, cách đây hơn 15 năm, vấn đề này đã được thảo luận nhưng chưa chín muồi, đất nước chưa đủ điều kiện, kinh tế vĩ mô còn bất ổn và nợ công còn cao. Thời điểm hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp, GDP đầu người đang vừa qua mức trung bình thấp. Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, việc đi lại của người dân được thuận tiện, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhà đầu tư và đặc biệt sẽ khai thác được tất cả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua.
Cho rằng số vốn đầu tư dự án rất lớn, tương đương khoảng 67 tỷ USD, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA. Đối với chi phí xây lắp khoảng 50%, tương đương khoảng 33 tỷ USD, Đại biểu đề nghị tập trung sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước và cần huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia vào dự án này.
Cùng quan tâm đến khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam băn khoăn làm sao cân đối nguồn vốn khi vừa đầu tư cho dự án này vừa đầu tư cho phát triển kinh tế đất nước, những công trình trọng điểm, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia...
Theo Đại biểu, cần phải có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt là tổ chức khai thác, thực hiện để trong quá trình triển khai tránh đội vốn cũng như phải bù lỗ sau này. "Đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, mỗi một năm chúng ta phải bỏ tiền ra để bù lỗ, đó là vấn đề chúng ta cần lưu ý", Đại biểu nêu.
Thu hút đầu tư tư nhân, nguồn lực trong dân
Cùng quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ về khả năng thu xếp, cân đối để đáp ứng nhu cầu vốn. Từ đó đánh giá khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn nợ công ra sao vì khi đó bội chi ngân sách, nợ công quốc gia, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể sẽ tăng.
Đại biểu cho rằng, ngân sách cả nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi đầu tư phát triển còn phải chi thường xuyên, chi hằng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án. Ví dụ ngoài dự án này trong lĩnh vực đường sắt, theo kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế và tuyến đường sắt đô thị...
Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, chương trình, dự án cần nhiều nguồn vốn hàng tỷ USD như là phấn đấu hoàn thành 5000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045, các giai đoạn tiếp theo của Sân bay quốc tế Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia hay nguồn kinh phí để thực hiện các luật, nghị quyết, chương trình, dự án mà Quốc hội sẽ ban hành...
Về thu hút đầu tư, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh hoặc có thể tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hóa mức tối đa, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, vừa có thể huy động được nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép ngân sách nhà nước.
Đại biểu nhấn mạnh, cần tính đến huy động nguồn lực từ trong dân. Nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẽ sẵn sàng mua, vay trong dân sẽ tốt hơn vay nước ngoài, vì lợi nhuận chính người dân trong nước được hưởng, không dịch chuyển ra bên ngoài. "Điều quan trọng hơn là khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào công trình quan trọng quốc gia này", đại biểu Dương Khắc Mai phân tích.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đề nghị làm rõ hơn về tính khả thi của việc bố trí vốn. Đại biểu ví dụ như khi trải qua thời gian dài, có thể có sự cố chủ quan, khách quan như thiên tai, dịch bệnh, môi trường, nhiều trường hợp bất khả kháng khác hay do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện còn hạn chế... có thể phải tăng tổng mức đầu tư. Trong trường hợp như vậy, cần có hướng xử lý trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng còn nhiều khó khăn.
Liên quan đến vay vốn ODA, Đại biểu cho rằng, nếu có nguồn vốn ODA thuận lợi, ít ràng buộc, lãi suất hợp lý thì phải tranh thủ và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định vay để bổ sung nguồn vốn cho dự án, giảm bớt áp lực vốn trong nước. Đồng thời, khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần có giải pháp thuyết phục để không xảy ra tình trạng chậm trễ như việc triển khai các dự án đường sắt đô thị như thời gian vừa qua, để không xảy ra tình trạng tăng vốn, kéo dài thời gian thi công.
Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035 sẽ bố trí trong 12 năm, mỗi năm bình quân là 5,6 tỷ USD. Hiện nay, trong xây dựng đề án dự kiến sẽ vay tối đa là 30%, tuy nhiên chưa quyết định việc vay trong nước hay vay ODA. Theo Bộ trưởng, nếu vay ODA lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện là điều rất tốt, còn nếu có ràng buộc điều kiện thì ưu tiên vay trong nước.
Chia sẻ thêm về hiệu quả tài chính, Bộ trưởng cho hay, kết quả tính toán cho thấy trong 4 năm đầu khai thác thì doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ một phần để bố trí cho hệ thống đường sắt để bảo trì kết cấu hạ tầng và số năm hoàn vốn tối đa là 33,61 năm. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong báo cáo nghiên cứu khả thi, các chỉ tiêu về phương án tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán cụ thể trên cơ sở phương án đầu tư, phương án khai thác và điều kiện khi đưa dự án vào vận hành, khai thác.