Đa dạng sinh học: Đã đến lúc không thể coi nhẹ
Ngày quốc tế Đa dạng sinh học được Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm vào 22/5 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Năm nay, thông điệp được truyền đi là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”.
Đa dạng sinh học đang biến đổi
Sự đa dạng, phong phú của tự nhiên là nền tảng cho sự tồn tại của con người. Đa dạng sinh học đảm bảo năng suất bền vững của đất và cung cấp nguồn gen cho các loài sinh vật trên cạn và dưới biển để làm thực phẩm. Đồng thời, đa dạng sinh học cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng là yếu tố quyết định cơ bản đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà môi trường sinh thái tự nhiên đang bị con người tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự đa dạng sinh học.
Tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện có trên 800 hộ dân đang sản xuất lúa, trồng mía tại 3/4 phân khu của Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, trong đó có 120 hộ dân đã gần 30 năm nay sinh sống, sản xuất trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn này.
Các hoạt động này của con người đã và đang làm thay đổi môi trường sinh sống của nhiều loài động thực vật. Các sinh cảnh trong khu bảo tồn nói chung và Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chỉ mang tính bán tự nhiên, chất lượng suy giảm. Còn đa dạng sinh học ở phía bên ngoài của các khu bảo tồn gần như bị suy kiệt do sự mở rộng, thâm canh trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm cho nhiệt độ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng hạn hán, nguồn nước bị cạn kiệt rất dễ xảy ra cháy rừng. Những tác động đó đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là Sếu đầu đỏ, vì một khi thiếu bãi ăn, thiếu nước uống, sếu sẽ lập tức bỏ đi.
Cùng với đó, đối với các loài thực vật, BĐKH sẽ làm cho hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim ảnh hưởng nặng nề Đặc biệt là quần xã rừng tràm, nếu bị ngập nước lâu ngày sẽ bị đổ ngã hoặc kém phát triển, còn nếu quá khô rất dễ gây cháy ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Sẽ có hệ thống chính sách pháp luật
Theo TS Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim là thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và BĐKH. Việc thay đổi hệ sinh thái là do nước ở Vườn quốc gia Tràm Chim trao đổi chỉ qua các cống, thời gian khô giảm, thời gian ngập gần như quanh năm, cây tràm xâm lấn tất cả các quần xã khác, chất hữu cơ chưa phân hủy tích tụ nhiều hơn trên mặt đất và trong kênh rạch là điều kiện để các loài ngoại lai phát triển.
Theo ông Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) không phải đợi tới Ngày quốc tế Đa dạng sinh học mới đưa ra cảnh báo, mà thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã triển khai thực hiện nhiều công việc như: Nghiên cứu, đề xuất để Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế, xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai các hoạt động về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Cũng theo ông Cường, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường dự kiến triển khai các nội dung theo thứ tự ưu tiên là củng cố hệ thống chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học bao gồm: Rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung Luật Đa dạng sinh học; Xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học cho giai đoạn thực hiện sau năm 2020; tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về đa dạng sinh học; thống nhất hệ thống khu bảo tồn trên toàn quốc và phân cấp, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao ở Việt Nam.
Chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2019 là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”, nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và tăng cường truyền thông về mối liên hệ giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái, làm trong lành nguồn nước và không có nạn đói.