Lâm Đồng đầu tư hơn 510 tỷ đồng bảo tồn đa dạng sinh học

Theo TTXVN

Tỉnh Lâm Đồng đầu tư tổng kinh phí 510,2 tỷ đồng để ưu tiên thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 - 2020 của dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Khu du lịch sinh thái Núi Voi thuộc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nguồn: internet.
Khu du lịch sinh thái Núi Voi thuộc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nguồn: internet.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, nguồn kinh phí này được tỉnh dùng để duy trì và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và các vườn quốc gia: Bidoup - Núi Bà, Cát Tiên.

Đồng thời, thành lập mới và đưa vào hoạt động khu dự trữ thiên nhiên Đơn Dương, các khu bảo tồn loài/sinh cảnh như Núi Voi, Phát Chi, Madagui; xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên, Công viên Bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, nâng cao độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%, hạn chế các tác động xâm hại đến rừng tại các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, chương trình trong giai đoạn 2017 - 2020 của dự án, ưu tiên đầu tư vào các nhóm lĩnh vực như: nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu bảo tồn…

Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt nhằm nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Quảng Nam phát triển giao thông nội đồng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

Năm 2017, tỉnh Quảng Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn hơn 32 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các địa phương tiếp tục bê-tông hóa 83 km đường giao thông nội đồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dồn điền đổi thửa và xây dựng nông thôn mới.

Hiện, Quảng Nam đang thực hiện bê-tông hóa 152 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 115 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 61 tỷ đồng, phần còn lại được các địa phương bố trí nguồn vốn và huy động đóng góp của nhân dân hơn 53 tỷ đồng.

Nhằm đẩy mạnh chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, ngoài nguồn vốn do ngân sách hỗ trợ, các địa phương của Quảng Nam còn huy động nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật tư tại chỗ, vận động nhân dân không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để kiên cố hóa 65,3km đường rộng từ 3,5 đến 5,5 m kết nối các trục đường liên huyện, liên xã, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông lâm sản từ vùng sản xuất đến các nhà máy chế biến.

Với việc lồng ghép các nguồn vốn trong chương trình xây dựng nông thôn mới để bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng, năm 2016, Quảng Nam đã làm mới 170 km đường bê-tông, xây mới hơn 250 cầu cống các loại, mở rộng đường giao thông đến các vùng nguyên liệu.

Giao thông nông thôn và giao thông nội đồng phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa; tạo ra các mô hình liên kết vùng, mô hình dồn điền đổi thửa và cánh đồng mẫu lớn.