Đã đến thời của cổ phiếu ngân hàng?
Việc VN-Index vượt 1.000 điểm trong những phiên gần đây không thể không nhắc đến sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi không ít nhà băng chứng kiến cổ phiếu liên tiếp lập kỷ lục mới về giá.
Sau khi phá đỉnh cũ thành công ở mốc 75.000đồng/CP trong những phiên giao dịch đầu tháng 7, cổ phiếu Vietcombank từ đó đã liên tiếp leo dốc và lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Với vùng giá trên 90.000đồng/CP hiện nay - tăng 72% so với đầu năm, có lẽ mốc 100.000đồng/CP sẽ không còn xa với nhà băng được xem là hiệu quả nhất hệ thống hiện nay.
Cổ đông của BIDV cũng đang trải qua những ngày thăng hoa, khi giá cổ phiếu ngân hàng này ngày càng tiến gần đỉnh cũ ở vùng 45.000đồng/CP. Trong 5 tháng qua, cổ phiếu BIDV tăng 40% và đặc biệt bứt phá khá mạnh trong những ngày gần đây để vượt mốc 40.000 đồng/CP.
Sau thông tin hoàn tất bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank cùng thông tin sắp chia cổ tức tỷ lệ 14% cho năm 2017 và 2018, cổ đông BIDV có lẽ đang cùng lúc đón nhận nhiều niềm vui khi vừa nhận cổ tức tiền mặt vừa nhìn thấy giá cổ phiếu tăng.
Dù tăng khiêm tốn hơn, chỉ 28% trong cùng thời gian, nhưng cổ đông MBBank kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ sớm tăng tốc trong những tháng cuối năm, nếu thương vụ bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sớm hoàn tất. Tính đến hiện tại, giá cổ phiếu MBBank cũng đã tăng hơn 35% so với đầu năm 2019.
Ngoài ra, các cổ phiếu như Vietinbank, ACB, Techcombank, VPBank, VIB, …đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây.
Động lực giúp cổ phiếu ngân hàng đi lên có lẽ nhờ vào kết quả kinh doanh quý III tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng tích cực, với các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MBBank, VPBank, BIDV, Vietinbank đều thuộc top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất trên sàn.
Trong đó, các ngân hàng cho thấy nguồn thu nhập giờ đây không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, mà các khoản thu nhập từ phí dịch vụ có sự bứt phá cũng như đóng góp ngày càng lớn cho lợi nhuận của nhà băng.
Đơn cử, MBBank mới đây sớm công bố lợi nhuận riêng ngân hàng đạt trên 8.000 tỷ (cập nhật 10 tháng), hoàn thành 96% kế hoạch cả năm là 8.345 tỷ. Tính đến 31/10/2019, thu dịch vụ của MBBank đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp của hoạt động dịch vụ vào tổng thu nhập của ngân hàng này ngày càng cao, chiếm khoảng 13% vào thời điểm cuối tháng 10/2019, gần gấp đôi tỷ trọng này ở năm 2016. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại hối cũng là một điểm sáng khi 10 tháng đầu năm 2019, chỉ tiêu thu ngoại hối đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một báo cáo về ngành ngân hàng Việt Nam mới đây của ngân hàng JP Morgan, bộ phận Nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đã có những nhận định tích cực khi cho rằng chu kỳ tín dụng thuận lợi sẽ mang đến lợi nhuận đáng kể cho các nhà băng Việt trong những năm tới.
Theo đó, JP Morgan đánh giá tích cực với một số cổ phiếu ngân hàng trong danh mục như Vietcombank, Techcombank, ACB và đánh giá trung lập với VPBank. Các cổ phiếu này được kỳ vọng tăng trưởng 14-68% trong 12 tháng tới.
JP Morgan dự báo, các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ ghi nhận ROE 15-21% trong 2 năm. Tín dụng được kiểm soát, tăng trưởng kép (CAGR) 16% trong 5 năm tới, cùng với tăng trưởng GDP danh nghĩa 9% sẽ là động lực cho các ngân hàng.
Điều này sẽ giữ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) hợp lý (3,58%, ngoại trừ VPB), dù tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thấp (22%). Cán cân thanh toán (2,5% GDP) là chìa khóa cho thanh khoản và tăng trưởng của hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) là 94%.
Trong khi đó, báo cáo đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm của công ty chứng khoán BSC cho rằng, trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng chủ yếu, ngoại trừ BID và VCB có mức định giá tương đối cao, thì phần còn lại đang ở mức thấp.
Do đó, BSC cho rằng nhóm ngành ngân hàng có thể là nhóm ngành dẫn dắt tăng trưởng của thị trường trong quý IV/2019 nhờ những lợi thế như mức định giá hấp dẫn (P/E trailing bình quân= 8,6x lần và P/B trailing bình quân = 1,2 lần), nợ xấu xu hướng giảm ở các ngân hàng niêm yết và tăng trưởng kết quả kinh doanh khả quan.