Hấp dẫn cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục hút dòng tiền của nhà đầu tư, đặc biệt là cổ phiếu của các ngân hàng mới chỉ lên kế hoạch niêm yết.
Hiện, một số cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC được nhận định đang ở mức “bèo” dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp, trong khi cổ phiếu của các ngân hàng đang niêm yết trên sàn HoSE, HNX và UPCoM đều đang có mức trên mệnh giá.
Hấp dẫn vì rẻ
Cổ phiếu DAB của DongA Bank đang giao dịch trên sàn OTC với giá 2.800 – 3.200 đồng/ cp, tăng mạnh trong thời gian gần đây từ mức giá dưới 1.000 đồng/cp nhờ thông tin ngân hàng sắp tiến hành ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 12/10 để thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu bù âm vốn điều lệ. Cổ phiếu của PVCombank đang có giá trong khoảng 3.500 –3.900 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu của VietA Bank cũng đang có giá 3.200 đồng/ cp, cổ phiếu PGBank có giá 8.500 đồng/cp, cổ phiếu của BaoVietBank cũng chỉ có giá 4.500 đồng/cp; NamA Bank đang giao dịch tại mức giá 8.000-9.000 đồng/cp.
Cổ phiếu của một số ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2019 có mức giá cao hơn một chút, như cổ phiếu của OCB đang giao dịch trong vùng giá 14.000 – 15.000 đồng/cp, tăng khoảng 1.000 đồng/cp so với tháng trước.
Giao dịch cổ phiếu của OCB trên thị trường khá sôi động, nhất là sau khi có thông tin cổ phiếu này sẽ được niêm yết cuối năm nay. Khối lượng đăng ký mua bán đạt hàng trăm nghìn đơn vị.
Trong khi đó, những cổ phiếu đang niêm yết trên sàn giao dịch chính thức và tập trung của các ngân hàng cùng quy mô lại đang ở mức giá khá lớn. Có thể kể đến như cổ phiếu của VIB đang có mức giá 18.200 đồng/cp (tính đến phiên 11/10).
Hay như cổ phiếu của LienVietPostBank đang giao dịch quanh vùng giá 8.000 đồng/cp, cổ phiếu của KienlongBank đang có giá 10.000 đồng/cp, cổ phiếu của BacA Bank đang có mức giá 18.300 đồng/cp, cổ phiếu “tân binh” của VietBank cũng đang có giá 16.100 đồng/cp.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khi đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng có mức giá thấp, nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận bởi kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực, việc áp dụng chuẩn Basel II và làn sóng góp vốn từ nhà đầu tư ngoại sẽ giúp các ngân hàng tăng quy mô tài chính, hoạt động an toàn và minh bạch hơn.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, sức hấp dẫn của những cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên OTC với giá rẻ còn đến từ việc tâm lý của các nhà đầu tư khi chỉ cần bỏ ra một số vốn vừa phải để sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và chờ ngân hàng đó lên sàn, tăng giá và chốt lời.
Phụ thuộc vào lộ trình lên sàn
Đã có khá nhiều ngân hàng mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư mua cổ phiếu từ OTC khi niêm yết chính thức. Ví dụ như cổ phiếu HDB của HDBank: Nếu như đầu năm 2017 chỉ giao dịch quanh mức 9.000 – 10.000 đồng/cp thì gần đến cuối năm đã tăng vọt lên 30.000- 32.000 đồng/cp trước thềm lên sàn vào đầu năm 2018.
Sau khi lên sàn , HDB giao dịch tích cực, tăng mạnh lên vùng giá 50.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Theo đó, các nhà đầu tư mua cổ phiếu tại vùng giá 9.000- 10.000 đồng/cp đã ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 5 lần, thậm chí mua ở vùng giá trên 30.000 đồng/cp cũng tạm “đút túi” 66,6% lợi nhuận.
TPBank cũng là một trường hợp đáng lưu ý trên OTC. Giá cổ phiếu của ngân hàng này hiện được đẩy lên quanh 25.000 – 26.000 đồng tại thời điểm chưa lên sàn (năm 2017). Ngay sau khi niêm yết chính thức, cổ phiếu TPB đã tăng lên vùng giá 3x.
Thực tế, nếu sóng cổ phiếu ngân hàng niêm yết bị chi phối bởi kết quả kinh doanh thì trên thị trường OTC phụ thuộc vào lộ trình niêm yết cổ phiếu. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng những thông tin về kế hoạch niêm yết như hiện nay, sức nóng của nhóm cổ phiếu này có thể sẽ có sự phân hóa.
Theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn.
Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 18/31 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn, trong đó có 10 ngân hàng niêm yết trên HoSE, 3 ngân hàng trên HNX và 5 ngân hàng niêm yết trên UPCoM.
Hiện mới chỉ có thêm VietCapital Bank đã hoàn tất thủ tục đưa 317,1 triệu cổ phiếu BVB lên giao dịch trên sàn UPCoM, tương ứng với mức vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trong năm 2019 có khá nhiều ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết nhưng mới chỉ có VietBank và VietCapital Bank là thực hiện đúng cam kết. Những ngân hàng còn lại như OCB, NamA Bank, MSB… mới chỉ đưa ra dự kiến là trong năm 2019 mà chưa có thời gian cụ thể.
Thực tế là các cổ phiếu ngân hàng trên OTC đang khá hấp dẫn các nhà đầu tư bởi nhiều yếu tố, thế nhưng dòng tiền thông minh vẫn ưa thích các cổ phiếu của ngân hàng có tiềm năng về kinh doanh hơn là câu chuyện kỳ vọng trong tương lai xa.