Đã phê duyệt phương án sắp xếp lại đối với 379 cơ sở nhà, đất khối bộ, cơ quan trung ương
Công tác quản lý tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã sắp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Cụ thể, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Căn cứ tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, Hội đặc thù và các địa phương gửi về Bộ Tài chính theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội thì tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP trên phạm vi cả nước là 268.274 cơ sở nhà, đất. Trong đó, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 189.659 cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt là 78.615 cơ sở.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 2635/BTC-QLCS ngày 22/03/2023 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Tại Công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất; Xử lý các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý; Kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Báo cáo đối với tình hình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị.
Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến tham gia về Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của một số bộ, ngành như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam… đồng thời, tham gia ý kiến đối với tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…
Liên quan đến công tác quản lý tài chính đối với đất đai, trong năm 2023, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách tài chính đất đai như: ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm tiền thuê đất; xác định nghĩa vụ tài chính đất đai về tiền sử dụng đất; khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp... góp phần tháo gỡ vướng mắc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, nhằm tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thuê đất trực tiếp của Nhà nước để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh...