Tăng cường hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác tốt nguồn lực tài chính từ tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến tài sản công.
Với vai trò là cơ quan tổng hợp và quản lý nhà nước về tài sản công, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài sản công; trên cơ sở đó, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Về cơ bản, các đề án, chính sách trong Chương trình công tác năm 2023 đã được Bộ Tài chính chủ động, tích cực thực hiện, trình cấp có thẩm quyền trong thời hạn được giao. Các văn bản được xây dựng, ban hành bám sát yêu cầu cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
Năm 2023, Bộ Tài chính được giao thực hiện 36 đề án, trong đó, 21 đề án trong kế hoạch và 15 đề án trong chương trình chuẩn bị. Tính đến hết năm 2023, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 5 văn bản; Hoàn tất thủ tục soạn thảo, thẩm định, đang trình cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành 7 đề án; Hoàn tất thủ tục soạn thảo, đang thực hiện thủ tục gửi lấy ý kiến thẩm định đối với 3 đề án. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 6 đề án theo kế hoạch...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công Thương (cơ quan quản lý chuyên ngành) nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo nghị định về phát triển, quản lý chợ và dự thảo nghị định về quản lý, phát triển Cụm Công nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, các đề án được giao đều có nội dung phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động lớn và trực tiếp đến nhiều đối tượng, do đó, việc nghiên cứu, xây dựng các nội dung chính sách phải được cân nhắc kỹ lưỡng, lấy ý kiến tham gia bằng văn bản và ý kiến tham gia trực tiếp nhiều lần của các đối tượng chịu tác động để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, vẫn còn có đề án chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn trình, ban hành.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách pháp luật đối với nỗ lực đưa công tác quản lý, tài sản công ngày đi vào nề nếp, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài sản công được chỉ ra trong các văn kiện, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Lãnh đạo Chính phủ ký ban hành các đề án như: Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý...
Đồng thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản đường thủy nội địa; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 166/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Nghị định thay thế Nghị định số 43/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải…