Quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công

Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Ngọc Sơn, Vũ Thị Kim Yến

Nền kinh tế tăng trưởng đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó tài sản công được coi là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong điều kiện đất nước ta đang tập trung phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay, để bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn lực quan trọng này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặt vấn đề

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản công ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản công một cách chủ động, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp khai thác, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định; công tác quản lý, sử dụng tài sản công còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Bài viết tập trung trình bày thực trạng quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong quản lý, sử dụng tài sản công và một số vấn đề đặt ra để trong thời gian tới có giải pháp khắc phục kịp thời, nhằm phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, chống lãng phí.

Quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành

THTK, CLP luôn được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo, xem như là một trong những “quốc sách hàng đầu”, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đến hết năm 2022, Chính phủ đã ban hành 19 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, 01 Chỉ thị, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật (trong đó: năm 2022, Chính phủ ban hành 02 Nghị định và Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư), tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 04 Đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 được ban hành, Bộ Tài chính đã tổ chức đăng tải Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Trang thông tin điện tử về tài sản nhà nước, tổ chức 05 Hội nghị để phổ biến các nội dung chủ yếu của Luật và các văn bản quy định chi tiết cho tất cả các bộ, cơ quan trung ương, sở tài chính các địa phương và phối hợp tổ chức các buổi phổ biến, tuyên truyền cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương theo đề nghị của bộ, ngành, địa phương. Qua theo dõi của Bộ Tài chính, hầu hết bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đặc biệt, thực hiện trách nhiệm được giao theo Luật, mỗi khi có văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đều tích cực tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ và nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm để đội ngũ cán bộ đều nắm bắt được những điểm mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế trong các văn bản để thi hành đầy đủ và áp dụng thống nhất.Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đã có 36 bộ, ngành và 63 địa phương thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể như:

Về ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, đã có 22 bộ, ngành và 63 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Trong ban hành tiêu chuẩn, định mức tài sản công chuyên dùng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, tiếp tục hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền. Cụ thể: có 28 bộ, ngành và 60 địa phương đã thực hiện rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung, trong đó có 23 bộ, ngành và 50 địa phương đã ban hành quyết định thay thế quyết định ban hành danh mục tài sản mua sắp tập trung của Bộ, ngành, địa phương.

Mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước

Trong Chương trình tổng thể về THTK,CLP do Chính phủ ban hành giai đoạn 2016-2022, Chương trình THTK, CLP hằng năm của Chính phủ đều đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí trong mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước. Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, cơ bản các đơn vị của Nhà nước đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1.777.122,53 tỷ đồng, cụ thể: Đối với tài sản là quyền sử dụng đất 1.123.845,70 tỷ đồng, tài sản là nhà 453.373,25 tỷ đồng; tài sản là vật kiến trúc 41.718,54 tỷ đồng; tài sản là ô tô 26.010,89 tỷ đồng; tài sản là phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô) 1.142,47 tỷ đồng; tài sản là máy móc, thiết bị 105.534,04 tỷ đồng, tài sản là cây lâu năm, súc vật làm việc 290,09 tỷ đồng; tài sản cố định hữu hình khác 16.995,08 tỷ đồng; tài sản cố định vô hình 8.191,78 tỷ đồng; tài sản cố định đặc thù 30,70 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, còn xảy ra hiện tượng mua sắm, sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu; tiến độ thanh lý tài sản còn chậm.

Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, đất công vụ; công trình phúc lợi công cộng

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm và sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, còn xảy ra hiện tượng đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá khi xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 03/4/2017 chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế như: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng gây lãng phí,...

Rà soát, sắp xếp lại tài sản công

Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính đã thực hiện thu hồi 122 cơ sở nhà, đất sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức. Ngoài ra, còn thực hiện chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý đối với 401 cơ sở nhà, đất.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán nhà nước, cơ bản các đơn vị đã thực hiện xử lý tài sản công bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Đến ngày 31/12/2022, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước (trong đó có 19.247 cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, trong thực tiễn còn phát sinh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trong áp dụng hình thức bán không đúng quy định (bán chỉ định thay vì phải bán đấu giá), thực hiện không đầy đủ quy định về đăng tải thông tin.

Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã nhập là 64.822 tài sản, với tổng nguyên giá 3.895.798 tỷ đồng, giá trị còn lại 3.034.693 tỷ đồng; tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã nhập là 464.745,007 km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn đã nhập là 15.652 công trình, tổng giá trị 34.807 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm kê, xác định giá trị để giao cho đối tượng quản lý đối với các tài sản hạ tầng khác còn chậm nên chưa triển khai được việc tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Bên cạnh đó, do tiến độ giao tài sản cho đối tượng quản lý còn chậm nên thực tế số tiền thu được để nộp vào ngân sách nhà nước từ cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng còn hạn chế.

Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết

Trong giai đoạn từ 01/01/2018 (ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành) đến nay, theo tổng hợp báo cáo của 31 bộ, ngành và 45 địa phương, đã có 3.280 đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được lập; trong đó, có 2.095 đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật; tổng số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong 03 năm 2018, 2019, 2020 là 30.795,7 tỷ đồng. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã thực hiện nghiêm quy định về việc lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý tài sản công trước khi phê duyệt theo quy định.

Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất từ năm 2010 đến nay của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã quyết định thu hồi 122 cơ sở nhà, đất.

Xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc

Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu lực thi hành đến nay, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước đã được quản lý chặt chẽ từ khâu mua sắm, trang bị đến xử lý tài sản và kịp thời trong xử lý khi dự án kết thúc, không làm thất thoát, lãng phí tài sản công.

Một số vấn đề đặt ra

Qua tổng kết thực tiễn thời gian qua, nhất là từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Một số kết quả quan trọng đã đạt được đó là: Đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công; Đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; Các trường hợp vi phạm pháp luật về tài sản công giảm rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về THTK, CLP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa đầy đủ. Một số loại tài sản hoặc lĩnh vực còn thiếu các văn bản để điều chỉnh làm cơ sở tổ chức thực hiện như: các văn bản quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng như: hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng kỹ thuật… Một số nội dung về khai thác tài sản công để lắp đặt máy ATM, trạm thu phát tín hiệu BTS, đặt tấm pin năng lượng mặt trời… chưa được quy định cụ thể.

Thứ hai, cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa phù hợp, nhất là cơ chế phân cấp thẩm quyền trong việc quyết định bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi nhà, đất của các cơ quan trung ương; có một số nội dung công việc như: việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết; mua sắm tài sản công tại một số bộ, địa phương phải có ý kiến thẩm định, thỏa thuận của cơ quan chức năng, dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chưa đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công.

Thứ ba, việc quản lý, sử dụng tài sản công tuy đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn những khiếm khuyết. Việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công trong các cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, đồng bộ; việc quản lý, sử dụng tài sản công có nơi có lúc chưa chặt chẽ, nhất là việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê…; tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện phương án; tiến độ kiểm kê, phân loại, giao tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi cho đối tượng quản lý không hoàn thành theo đúng tiến độ quy định…

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thờinên việc phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn hạn chế, xảy ra một số các vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp

Thứ năm, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công hiện hành chưa bao quát, tổng hợp đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (còn thiếu thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản công tại doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên).

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ thực tế là tài sản công có phạm vi rộng, do nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng; Công tác xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện do nhiều cơ quan thực hiện; Thể chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công chưa đồng bộ giữa các Luật như: Luật Đất đai, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu; Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức tới công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giao. Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa được triệt để do chế tài chưa đủ mạnh. Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý tài sản công còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên không đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Hà Nội;
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017, Hà Nội;
  3. Chính phủ (2022), Báo cáo số 234/BC-CP ngày 17/5/2023 của Chính phủ về Kết quả Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022;
  4. Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV, Báo cáo kết quả giám sát số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023