Đà phục hồi của thị trường bất động sản vẫn có thể đứt "bất thình lình"?
Các chính sách vĩ mô của Chính phủ đang giúp nhiều doanh nghiệp nhà đất "sống dậy". Tuy nhiên, bài học từ ngành địa ốc Trung Quốc cho thấy nếu các chính sách không thể thẩm thấu triệt để, đà hồi phục của thị trường vẫn có thể bị đứt “bất thình lình”.
Thời gian qua, với việc Chính phủ liên tục có chỉ đạo yêu cầu gỡ vướng cho thị trường bất động sản, hàng loạt dự án sau thời gian dài đình trệ đã được khơi thông. Điển hình như tại TP. HCM, đến nay đã có 43 kiến nghị của chủ đầu tư tại 39 dự án được xử lý dứt điểm.
Hồi phục tích cực
Cụ thể, trong báo cáo về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường địa ốc phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được gửi tới Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cho biết đã có 43/189 kiến nghị của doanh nghiệp về tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho 148 dự án được giải quyết.
Trong số 148 dự án bất động sản có vướng mắc trên địa bàn TP.HCM, có 21 dự án vướng thủ tục quy hoạch, 38 dự án vướng thủ tục đầu tư, 20 dự án vướng thủ tục xây dựng, 5 dự án vướng thủ tục tài chính, thuế, 3 dự án vướng thủ tục giao thông, đặc biệt là có tới 101 dự án vướng thủ tục về đất đai...
Từ thực tế trên, UBND TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan tới thủ tục đầu tư xây dựng. Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở TN&MT đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Không chỉ tại TP.HCM, hàng trăm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trên cả nước cũng đang dần tìm được “lối thoát”, dù tốc độ nhanh chậm còn tùy vào nhiều yếu tố, điều kiện khách quan.
Một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tác động tích cực từ các chính sách gỡ vướng của Chính phủ tới doanh nghiệp nhà đất thời gian qua là trường hợp của Novaland (NVL). Sau nhiều năm mắc kẹt với loạt dự án “khủng”, "chôn vào đất" hàng chục nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp này như “chết đuối vớ được cọc” khi các dự án được Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc “thông tuyến”.
Giới quan sát thậm chí còn cho rằng, việc hàng loạt dự án nghìn tỷ được gỡ vướng chính là cơ sở để “ông lớn” dẫn đầu ngành địa ốc phía Nam dù báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý II (theo báo cáo tài chính tự lập), nhưng vẫn tự tin có lãi trăm tỷ trong nửa cuối năm 2023.
Bài học từ Trung Quốc
Rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các địa phương đã giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh được “một bàn thua trông thấy”, từ đó tạo đà hồi phục cho thị trường chung.
Tuy nhiên, diễn biến mới từ thị trường bất động sản Trung Quốc thời gian qua cho thấy nếu các chính sách không thể ngấm đủ mạnh, đà hồi phục của thị trường địa ốc Việt Nam vẫn còn nguyên nguy cơ bị đứt, bởi nền tảng "sức khỏe" của đa phần doanh nghiệp hiện vẫn rất yếu sau thời gian dài "hứng bão".
Anh Châu Quốc Quân, một nhà đầu tư từng kết nối nhiều thương vụ từ Việt Nam sang Trung Quốc, chia sẻ tình trạng bất động sản trong nước hiện khá giống với thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 khi ghi nhận nhiều dấu hiệu hồi phục bởi các chính sách kích cầu về pháp lý và lãi suất.
“Tuy nhiên, sau thời kỳ đại dịch Covid-19, thay vì tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm tận dụng đà phục hồi đó để giúp thị trường thực sự vực dậy thì các biện pháp hỗ trợ ở Trung Quốc lại cho thấy sự giới hạn, khiến thị trường lao dốc trở lại. Điều này giống như người bệnh đang được thở oxy, khi không còn nguồn oxy nữa thì bệnh lại trở nặng”, anh Quân phân tích.
Với bài học nhãn tiền từ Trung Quốc, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam đến khi mọi vấn đề, vướng mắc được giải quyết thì thị trường vẫn khó có thể vực dậy nếu niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư chưa hoàn toàn được phục hồi. Chính vì thế, song song với các biện pháp nhằm tháo gỡ cho thị trường rất cần thêm các cơ chế, chính sách nhằm lấy niềm tin của người dân.
“Thị trường đang giống một ván cờ, chỉ cần một phút lơ là sẽ khiến cho cục diện sụp đổ. Chính bởi vậy, lĩnh vực bất động sản Việt Nam rất cần sự tiếp tục kiên trì và quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành cho đến khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững”, đại diện của VARS nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam đang đi lên, nhưng vẫn cần phải tạo động lực, tạo mọi cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, ngược lại thì việc thụt lùi 5 - 7 năm sẽ xảy ra.
“Chúng ta không nên ảo tưởng như các nước đã phát triển hàng trăm năm nay, họ đã ổn định và quá vững vàng, doanh nghiệp quá lớn mạnh rồi, trong khi tại Việt Nam có đến 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển cần phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chính sách mới bứt phá được. Có thể thấy, trải qua 25 phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam được rất nhiều, được ở đây chính là cơ chế chính sách, hạ tầng, đô thị phát triển. Với bất động sản, chỉ cần có nguồn lực và cơ chế chính sách phù hợp”, ông Điệp nêu quan điểm.