Thách thức bủa vây doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng
Trong Q3, thị trường địa ốc đã có nhiều tín hiệu phục hồi sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức bủa vây doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng.
Dựa trên báo cáo về thị trường bất động sản tháng 8/2023 của DKRA Group cho thấy, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nguồn cung mới có xu hướng giảm mạnh, chỉ đạt 11 căn và giảm xấp xỉ 99% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam.
Nguồn cung mới giảm mạnh
Trong khi đó, miền Bắc và miền Trung vẫn chưa ghi nhận thêm dự án mới mở bán. Sức cầu trên thị trường ở mức thấp, với lượng tiêu thụ chỉ 3 căn, chiếm 1% so với cùng kỳ năm 2022. Sự ảm đạm của thị trường kèm theo đó là tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt kỳ vọng dẫn đến thanh khoản rất thấp.
Đối với phân khúc condotel, nguồn cung đạt 100 căn, giảm hơn 75% so với tháng trước và giảm hơn 77% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (chiếm 87%) và miền Bắc (chiếm 13%).
Tại phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có xu hướng giảm từ cuối Q2 đến nay. Trong tháng 8 chỉ đạt 27 căn mở bán mới, giảm 88% so với cùng kỳ.
Nhận định về khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, PGS.TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hiện nay lượng khách du lịch quốc tế đã giảm sâu so với thời điểm trước Covid-19, dẫn đến tình trạng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng không còn là “điểm sáng” dành cho các nhà đầu tư.
DKRA cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định cùng với bối cảnh thị trường địa ốc ảm đạm đã khiến người mua trở nên thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao bởi chi phí vốn hiện vẫn tương đối cao và không có nhiều biến động so với tháng trước.
Để thu hút sự quan tâm của khách hàng, các chủ đầu tư cũng áp dụng chính sách ưu đãi như thanh toán linh hoạt, chiết khấu thẳng vào giá bán bất động sản…
Còn nhiều thách thức
Mặc dù thị trường du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là lượng du khách quốc tế đến nay đã đạt hơn 7,8 triệu lượt, bằng 98% kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước đối với doanh nghiệp ngành du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Xu hướng du lịch đã dần thay đổi kể từ sau Covid-19 do đó người tiêu dùng trên toàn cầu đều tiết kiệm chi tiêu hơn. Cùng với tình trạng lạm phát cao đang “hoành hành” ở nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch cũng như chi tiêu của du khách.
Với xu hướng mới này, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thể phục hồi theo kỳ vọng. Như ông Hoàng nhận định rằng, sự ảnh hưởng của đại dịch hiện đang kéo dài hơn. Có những điểm du lịch lớn, dù lượng khách tăng so với năm 2022 nhưng doanh thu từ du lịch giảm 20 - 25% bởi chi tiêu khách du lịch giảm trong đó có cả lưu trú.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng những vướng mắc về pháp lý cũng là nguyên nhân khiến phân khúc này gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, trong giai đoạn đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản. Trong đó, việc cấp sổ hồng cho condotel được xem là một tín hiệu tích cực, song chưa đủ vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang bị “đóng băng”.
Cũng theo ông Điệp, phân khúc này hiện đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư. Một trong những trở ngại lớn là vấn đề pháp lý khiến tâm lý của nhà đầu tư không thực sự lạc quan và các chủ đầu tư chậm trễ trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Đánh giá thị trường trong nửa cuối năm, bà Trần Thùy Vân - chuyên gia CBRE Việt Nam dự đoán bất động sản nghỉ dưỡng khó sôi động trở lại như giai đoạn trước đây. Nguyên nhân là do các đơn vị chủ đầu tư hiện đang tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế, đồng thời sức ép đáo hạn trái phiếu trong giai đoạn cuối năm cũng là bài toán áp lực với một số doanh nghiệp địa ốc.