Đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc tạm chững lại

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Số liệu từ dịp Tết Trung thu vừa qua cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn thắt lưng buộc bụng. Chi tiêu ngành du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua giảm 22,8% so với cùng kỳ.

Tại nhiều nơi của Trung Quốc, các biện pháp phong tỏa vẫn bị áp dụng ngặt nghèo - Ảnh: Bloomberg
Tại nhiều nơi của Trung Quốc, các biện pháp phong tỏa vẫn bị áp dụng ngặt nghèo - Ảnh: Bloomberg

Các biện pháp phong tỏa mới để kiềm chế COVID-19 và việc thị trường bất động sản đi xuống đang làm xấu đi triển vọng của kinh tế Trung Quốc dù rằng gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có những cải thiện khi mà các biện pháp kích cầu phát huy tác dụng.

Trung Quốc công bố một số số liệu kinh tế trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trong đó có những thông tin cho thấy giá nhà đất đang giảm nhanh hơn và tiêu dùng người dân vẫn ở mức thấp. Số liệu kinh tế tuy nhiên không phải chỉ toàn những thông điệp tiêu cực. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng, thị trường lao động Trung Quốc đồng thời cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng có những chỉ báo đã che giấu đi sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các chuyên gia kinh tế thuộc Barclays PLC viết trong nghiên cứu mới đây: “Thực tế không tích cực như các số liệu công bố”. Chuyên gia nhấn mạnh đến nhiều yếu tố thách thức bao gồm sự suy giảm trên thị trường bất động sản, các đợt phong tỏa ngăn dịch COVID-19 kéo dài và triển vọng xuất khẩu suy yếu.

So với tháng liền trước, giá nhà trung bình của 70 thành phố tại Trung Quốc giảm trung bình 2,1% trong tháng 8/2022, theo những tính toán ban đầu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CNBS).

Mức giảm của giá nhà trong tháng 8/2022 như vậy sâu nhất tính từ tháng 9/2015 dù rằng giới chức Trung Quốc đã hạ lãi suất và nới lỏng các quy định với thị trường bất động sản trên khắp đất nước. Còn nếu tính theo tháng, giá nhà mới đã giảm hoặc đi ngang suốt 12 tháng qua, khoảng thời gian đi ngang của giá nhà dài hơn so với thời kỳ năm 2014-2015.

Nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế tiếp tục suy yếu, các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ đại dịch COVID-19 tiếp tục khiến cho nhu cầu tiêu dùng khắp Trung Quốc đi xuống.

Doanh số bán lẻ, chỉ báo quan trọng về tiêu dùng và hàng hóa dịch vụ tại Trung Quốc, hiện vẫn ở mức thấp. Trong khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 8/2022 tăng 5,4% so với cùng kỳ, thực tế các chuyên gia khẳng định mức tăng trưởng cao này chủ yếu có được do cái nền so sánh thấp. Còn nếu tính thêm cả yếu tố thời điểm vào, doanh số bán lẻ thực tế giảm 0,8% nếu so với tháng 7/2022, theo tính toán của Capital Economics.

Số liệu từ dịp Tết Trung thu vừa qua cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn thắt lưng buộc bụng. Chi tiêu ngành du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Bộ Văn hóa Du lịch. Chỉ số đi lại theo tính toán của công ty công nghệ Baidu của Trung Quốc giảm 38% so với cùng kỳ.

Trong dịp nghỉ vừa qua, doanh thu tại các rạp chiếu phim giảm 25,9% dù rằng thêm nhiều phim được công chiếu.

Số liệu kinh tế Trung Quốc tích cực hơn có nguyên nhân trực tiếp từ hoạt động của ngành ô tô và sản xuất thiết bị tăng trưởng trở lại, ngoài ra dữ liệu kinh tế các tỉnh miền ven biển Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu tích cực dù rằng cũng vẫn phải tính đến số liệu của cùng kỳ năm trước khá bi quan.

Đầu tư vào tài sản cố định tại Trung Quốc tăng 5,8% trong 8 tháng đầu của năm, cao hơn dự báo 5,5% theo tính toán của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal. Đầu tư tăng trưởng có nguyên nhân trực tiếp từ việc chi tiêu vào cơ sở hạ tầng tăng mạnh, dấu hiệu cho thấy các biện pháp giải cứu của Bắc Kinh đang tạo ra hiệu ứng tích cực.