Ngân hàng Nhà nước:
Đã xử lý được hơn 907 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, năm 2012 là 74.680 tỷ đồng, năm 2013 là 87.980 tỷ đồng, năm 2014 là 143.550 tỷ đồng, năm 2015 là 186.960 tỷ đồng, năm 2016 là 118.490 tỷ đồng, năm 2017 là 115.540 tỷ đồng, năm 2018 là 163.140 tỷ đồng nợ xấu.
Đó là thông tin vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ.
Cùng với việc triển khai các biện pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các TCTD bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp trên, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227.860 tỷ đồng, bao gồm hình thức xử lý TCTD mua lại khoản nợ xấu đã bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt là 31.010 tỷ đồng.
Ngoài ra, số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 do khách hàng trả nợ trung bình khoảng 5.810 tỷ đồng/tháng, cao hơn 4.000 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ dưới hình thức khách hàng trả nợ trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành…