Đặc khu kinh tế - lực đẩy đột phá (K3): Những hình mẫu tỏa sáng

Theo Quang Huy/saigondautu.com.vn

Hiện nay nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã đẩy mạnh xây dựng nhiều đặc khu kinh tế (ĐKKT) với các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn các khu vực trong nước để thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhờ phát triển thành công 9 khu thương mại tự do, Singapore đã biến một đất nước nhỏ hẹp, nghèo đói thành một quốc gia thịnh vượng, thu nhập cao của thế giới.
Nhờ phát triển thành công 9 khu thương mại tự do, Singapore đã biến một đất nước nhỏ hẹp, nghèo đói thành một quốc gia thịnh vượng, thu nhập cao của thế giới.
Một số nước đã thành lập hàng loạt ĐKKT, dần xóa bỏ các rào cản, hạn chế về đầu tư kinh doanh, đã làm thay đổi đất nước một cách nhanh chóng. Do môi trường đầu tư hấp dẫn và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhiều ĐKKT đã bứt phá phát triển thành nền kinh tế vững mạnh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. ĐTTC giới thiệu một số hình mẫu ĐKKT thành công.
Khu kinh tế tự do và thành phố quốc tế
Hiện nay Hàn Quốc có 8 khu kinh tế (KKT) tự do, trong đó 3 KKT (Incheon, Busan-Jinhae và Gwangyang) được thành lập năm 2003 và 3 KKT (Yellow Sea, Saemangeum-Gunsan và Daegu-Gyeongbuk) được thành lập năm 2008 và 2 KKT (Donghae và Chungbuk) được thành lập năm 2013. Mục đích thành lập các KKT tự do nhằm phát triển các KKT thành đầu mối của thế giới về kinh doanh, logistics và công nghiệp công nghệ cao, thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Để tận dụng lợi thế của từng KKT tự do và tránh cạnh tranh lẫn nhau, Chính phủ Hàn Quốc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng KKT, cụ thể như sau: KKT Incheon ưu tiên phát triển về logistics, kinh doanh dịch vụ, du lịch và giải trí, công nghệ cao. KKT Busan-Jinhae: vận tải biển, công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, du lịch và dịch vụ gắn với biển. KKT Gwangyan: vận tải biển, sản phẩm thép và hóa chất, du lịch và dịch vụ. KKT Yellow Sea: công nghệ cao, công nghệ sinh học và vận tải biển. KKT Saemangeum-Gunsan: công nghệ cao, công nghệ mới, tái tạo, du lịch và dịch vụ cho khách Trung Quốc. KKT Daegu-Gyeongbuk: giáo dục, y tế, công nghiệp thời trang, công nghệ thông tin…
Điểm nổi bật nhất trong cơ chế, chính sách của các KKT tự do Hàn Quốc là hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng cơ bản của các KKT (50%), phần còn lại sẽ do ngân sách của địa phương thực hiện hoặc lựa chọn doanh nghiệp và thỏa thuận với doanh nghiệp các hạng mục đầu tư hạ tầng. Các lĩnh vực đầu tư có công nghệ cao, giáo dục, bệnh viện đều được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên trong trường hợp Hội đồng phát triển KKT đồng ý sẽ hỗ trợ 100% vốn đầu tư hạ tầng.
Về cơ chế quản lý, Ủy ban Phát triển KKT trực thuộc Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương và Năng lượng làm Trưởng Ủy ban, gồm lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế. Ủy ban xây dựng quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển các KKT tự do, quyết định những vấn đề lớn ngoài thẩm quyền của chính quyền tỉnh. Ban quản lý KKT tự do được thành lập tại các địa phương có KKT tự do, có quyền tự xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, quyết định cấp phép đầu tư, xây dựng KKT. Chỉ những dự án lớn đầu tư vào KKT trong những ngành quan trọng, có tính định hướng cho toàn ngành mới cần xin ý kiến cấp Trung ương (Ủy ban Phát triển KKT).  
Các đặc khu của Hàn Quốc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu phát triển của các KKT tự do, trong đó có cả các tập đoàn đa quốc gia như GE, BMW… Theo số liệu đến hết năm 2014, các KKT tự do của Hàn Quốc thu hút được 2.235 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 9,96 tỷ USD. Điểm đáng lưu ý các KKT tự do của Hàn Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn, được nhà đầu tư toàn cầu xem xét đầu tiên khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở khu vực châu Á.
Các KKT tự do của Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu đề ra từ khi thành lập, gồm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm thu hút các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc, đồng thời thành công trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ cao như General Motors, Samsung BioLogics, LG Electronics…
Đảo Jeju là tỉnh tự trị đặc biệt và là thành phố quốc tế tự do của Hàn Quốc, được thành lập vào năm 2006 (tỉnh tự trị đầu tiên) với 5 quan điểm phát triển, gồm tự trị phân quyền cao, phát triển thị trường toàn cầu, tăng cường phúc lợi xã hội, giao lưu văn hóa quốc tế và bảo vệ tài nguyên môi trường. Thành phố Jeju lựa chọn giáo dục, y học, công nghiệp công nghệ cao và du lịch làm hạt nhân cho sự phát triển của mình, trong đó tập trung thu hút xây dựng cơ sở giáo dục quốc tế; các trung tâm y tế được điều hành bởi các tập đoàn nước ngoài.
Đảo Jeju đã và đang là điểm thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam với các đặc điểm hấp dẫn như khi hậu ôn hòa, nền nhiệt độ quanh năm luôn ổn định, cảnh quan đẹp, không khí trong lành, các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp… Đặc biệt đảo Jeju đang là một trong các địa điểm của Hàn Quốc phát triển mạnh mô hình “du lịch khám chữa bệnh” với sự kết hợp tổ chức các tour du lịch và các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng cao, được điều hành bởi các tập đoàn uy tín của trong và ngoài nước.
Du lịch là ngành chủ đạo của đảo Jeju, chiếm 25% tổng sản phẩm chung của tỉnh. Năm 2014, lượng khách tới đảo Jeju đạt 14 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt gần 7 tỷ USD, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Jeju hiện nay đạt hơn 12 tỷ USD. 

Hóa thân thành rồng
Singapore trở thành nhà nước tự chủ năm 1959, thành quốc gia độc lập vào ngày 9-8-1965 và trở thành thành viên thứ 117 của tổ chức Liên hợp quốc vào ngày 21-9-1965. Xuất phát điểm của Singapore là một đảo quốc không có tài nguyên, đất đai hạn hẹp, cơ sở hạ tầng yếu kém, phải nhập khẩu cả nước ngọt để uống và sinh hoạt. Với tầm nhìn rộng và tư duy lãnh đạo đầy thực tế, Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu đã đưa ra các kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng như đưa Singapore thành điểm xuất khẩu hàng hóa lớn, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hướng đến xuất khẩu. 
Các KCN và 9 khu thương mại tự do được hình thành gắn với phát triển cảng biển Singapore thực hiện nhằm thúc đẩy lĩnh vực chế tạo và thu hút đầu tư ngoại quốc đến đảo quốc.  Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích nước ngoài bỏ vốn đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi đặc biệt là khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài tự do được chuyển lợi nhuận về nước; có quyền cư trú nhập cảnh; nhà đầu tư có vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore (SGD) trở lên và có dự án đầu tư, gia đình họ sẽ được hưởng quyền công dân Singapore.
Từ khi thành lập nước với thu nhập bình quân đầu người 500USD/năm, đến 2016 thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP đạt gần 85.000USD.
Hiện nay, Singapore trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 trên thế giới và là một trong 5 cảng lớn nhất thế giới. Singapore hiện có 9 khu thương mại tự do (FTZ), chính sách đặc thù của FTZ là Thủ tướng quyết định thành lập Khu vực thương mại tự do, chỉ định một cơ quan hoặc bộ phận pháp định của Chính phủ hoặc 1 công ty là cơ quan quản lý, duy trì và vận hành các FTZ. Thủ tướng trao cho cơ quan quản lý FTZs  các thẩm quyền để thực hiện luật và bảo vệ lợi ích quốc gia. Cơ quan hải quan được thành lập trong FTZs để thực hiện các hoạt động hải quan, xuất nhập khẩu.
Đặc điểm các FTZ của Singapore là tự do đầu tư tất cả lĩnh vực kinh tế, trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng và an toàn xã hội. Không áp dụng thuế xuất khẩu, 99,9% hàng hóa không phải chịu thuế nhập khẩu (trừ các loại hàng hóa như rượu cồn, sản phẩm thuốc lá, phương tiện giao thông, sản phẩm dầu lửa).
Thuế thu nhập cá nhân thấp hơn so với các nước phát triển từ 0-20% đối với người có thu nhập cao hơn 320.000SGD/năm; 22% cho cá nhân thu nhập trên 320.000SGD/năm (đây là mức thuế suất thấp hơn nhiều so với các nước phát triển).
Thuế thu nhập doanh nghiệp thấp trong khu vực (17%), miễn thuế hoàn toàn với doanh nghiệp khởi nghiệp (100.000SGD lợi nhuận trước thuế thu được đầu tiên trong 3 năm liên tiếp và giảm 50% với 200.000SGD tiếp theo); không đánh thuế vào lợi nhuận khi bán tài sản... 
Cảng Singapore hiện đang là cảng biển lớn thứ 2 trên thế giới. Singapore có các tuyến vận tải tới hơn 600 cảng tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Cảng tiếp nhận khoảng 150.000 tàu mỗi năm. Dự kiến đến 2020 cảng Singapore đầu tư thêm 15 bến, tổng cộng sẽ là 21 bến. Hệ thống cảng biển Singapore được quản lý bởi 2 công ty là PSA International và Jurong Port.
PSA International là một trong những nhà điều hành cảng lớn nhất thế giới kinh doanh hơn 40 bến cảng trên khắp thế giới. 
Những chính sách và cơ chế phát triển phù hợp được Chính phủ Singapore đưa ra trong từng giai đoạn tăng trưởng kinh tế đã thực sự thành công. Từ việc xây dựng các cảng biển, trung tâm logistics, trung tâm thương mại tự do cho đến các trung tâm phân phối hàng hóa khu vực. Chính phủ Singapore còn nâng cấp, cập nhật và thay đổi theo xu thế phát triển của thế giới. Thành công của những chủ trương điện tử hóa đất nước, container hóa cảng biển và logistics toàn cầu là tiền đề quan trọng để đưa logistics của Singapore trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ có mức đóng góp 8% GDP/năm; các dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 12% GDP của Singapore.
Singapore đã trở thành một hình mẫu phát triển đất nước cần học tập: Thủ tục đầu tư nhanh gọn, theo chế độ “một cửa”, tại chỗ. Các loại thuế ưu đãi tối đa nhất. Minh bạch chính sách; chính sách đã ban hành không được thay đổi trong suốt thời gian thực hiện dự án. Thống nhất theo cơ chế “một giá” cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (giá điện, giá nước)…
 

Hãy biến ước mơ thành hiện thực

Nhiều thế hệ trước, hiếm người có thể tưởng tượng được sẽ có ngày các lãnh đạo lớn trên thế giới tụ họp tại Đà Nẵng chia sẻ tình bằng hữu, mở rộng quan hệ đối tác và chúc mừng những thành tựu tuyệt vời mà người dân các nước đã đạt được. Các bạn đã đưa ý tưởng vào thực tiễn, biến ước mơ thành hiện thực. Bằng sự chung tay của mỗi người, cả khu vực đã vươn lên mạnh mẽ như những chòm ngân hà, mà trong đó mỗi quốc gia là một vì sao sáng.
Ở Singapore trước đây là những hộ gia đình có mức sống dưới 500USD/người/năm hiện nay đã nằm trong số những người có thu nhập cao trên thế giới - một sự chuyển đổi thần kỳ nhờ vào tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Hàn Quốc đã biến một đất nước nghèo đói sau chiến tranh trở thành một trong những quốc gia dân chủ giàu có chỉ sau vài chục năm. Ngày nay thậm chí người dân Hàn Quốc còn có mức thu nhập cao hơn người dân ở các nước EU.
Ngày nay người dân ở các quốc gia có chủ quyền và độc lập đã nắm được quyền kiểm soát với số phận của mình. Và nhờ đó có thể phát huy tiềm năng của bản thân. Họ theo đuổi công bằng và trách nhiệm, thúc đẩy quyền sở hữu tư nhân và tuân theo pháp luật; đánh giá cao sự chăm chỉ cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân. Họ thành lập công ty, xây dựng thành phố, gây dựng toàn bộ đất nước từ bàn tay trắng.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
(Trích bài phát biểu tại APEC CEO Summit 2017, tại Đà Nẵng)