Đặc sản Hậu Giang vươn ra “biển lớn”
Những năm qua, tỉnh Hậu Giang phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nếu năm 2016, toàn tỉnh thả nuôi hơn 7.000ha, thu về sản lượng hơn 62.200 tấn thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000ha, với sản lượng hơn 78.000 tấn. Trong đó, cá tra, cá thát lát, cá rô đồng, cá sặc rằn, lươn… được đa số nông dân chọn nuôi để phát triển kinh tế.
Không chỉ thị trường trong nước mà cá sặc rằn Hậu Giang còn ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế nhờ chất lượng thịt thơm, dai và ít xương.
Nắm bắt lợi thế này, Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát đã xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nuôi theo quy trình
Những năm gần đây, cá sặc rằn hay còn gọi là cá bổi được nhiều bà con trong tỉnh chọn nuôi ghép với cá thát lát để phát triển kinh tế. Bà con cho biết, nuôi theo cách này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi do thức ăn dư thừa gây ra, giảm chi phí xử lý môi trường, tăng thêm thu nhập cho người nuôi.
Gắn bó với con cá sặc rằn gần 20 năm, anh Nguyễn Quốc Hưng, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết gia đình anh hiện tại có 5 ao nuôi cá sặc rằn với mật độ khoảng 50.000 đến 100.000 con/ao. Đây là loài dễ nuôi, khoảng từ 8 đến 10 tháng là có thể thu hoạch. Không chỉ được bán cho thương lái mà thời gian gần đây, anh Hưng còn cùng các anh em trong gia đình mở rộng quy mô đáp ứng thị trường xuất khẩu.
“Nhận thấy nhu cầu của thị trường và giá trị kinh tế nên chúng tôi đang từng bước chuyển sang chuyên nuôi cá sặc rằn phục vụ xuất khẩu. Hàng đi nước ngoài phải kiểm kháng sinh, nếu sử dụng thuốc hoặc kỹ thuật nuôi không tốt thì khi kiểm tra cá sẽ không đạt yêu cầu. Nuôi cá phải theo quy trình, kiểm soát được hàm lượng chất cấm, không dùng các thuốc ngoài danh mục cho phép”, anh Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ.
Để chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, anh Hưng còn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ xung quanh. Khi tham gia nuôi cá sặc rằn xuất khẩu, mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ phía công ty đưa ra. Hiện cá xuất khẩu phải đạt trọng lượng từ 100 đến 200 gram/con, giá dao động từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, thông tin: Các sản phẩm từ cá sặc rằn đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu của công ty, được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Nguồn nguyên liệu cá sặc rằn của công ty hiện nay 100% trong tỉnh, chủ yếu ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp với 30ha.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ngoài nuôi ghép cá thát lát thì Công ty đã mở rộng vùng chuyên nuôi cá sặc rằn. Công ty phối hợp với những hộ, vùng nguyên liệu VietGAP của công ty, cải tạo và nuôi toàn bộ cá sặc rằn theo tiêu chuẩn để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến.
Nâng tầm giá trị
Hiện sản phẩm cá sặc rằn trứng ướp muối của Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát đã có mặt tại nhiều cửa hàng tại nước Đức. Còn trong nước, nhu cầu cũng đang mở rộng, công ty đang đưa sản phẩm cá sặc rằn trứng ướp muối và cá sặc rằn muối sả vào các hệ thống bán lẻ, góp phần làm đa dạng sự lựa chọn cho các bà nội trợ.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, cho hay: Nhu cầu nguyên liệu cá sặc rằn khoảng 3 tấn/tuần. Tính riêng thị trường xuất khẩu, công ty xuất sang Đức hơn 20 tấn cá thành phẩm từ đầu năm đến nay. Trước đây, bà con trong tỉnh thường áp dụng mô hình nuôi ghép cá thát lát với cá sặc rằn, cách làm này khá hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng khó cung cấp được số lượng lớn cá sặc rằn nguyên liệu trong một thời điểm nhất định, con cá sặc rằn nuôi riêng sẽ trắng, đẹp hơn.
“Khi thu hoạch ao cá, 10 tấn cá thát lát thì chỉ có 1 tấn hoặc 500kg cá sặc rằn. Công ty phải lựa kích cỡ cá đạt yêu cầu mới thu mua để sản xuất nên không đáp ứng đủ. Công ty cũng đề xuất, ngoài cá thát lát chủ lực của tỉnh thì bà con có thể phát triển thêm cá sặc rằn chuyên canh, đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Phong nhẩm tính.
Tận mắt chứng kiến các công đoạn, mới hiểu để có sản phẩm chất lượng vươn ra “biển lớn” một cách vững chãi đến tay người tiêu dùng, bên cạnh các kỹ thuật nuôi, chất lượng cá, nguồn nước thì chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cá sặc rằn sau khi làm sạch sẽ được ướp muối cho thấm. Sau đó, các công nhân sẽ xếp lên khuôn rồi để trứng vào. Trứng cá hoàn toàn không ướp muối. Khuôn cá sau đó được đóng bao bì, hút chân không, dán nhãn, bảo quản lạnh ở nhiệt độ quy định.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát đã cố gắng duy trì hoạt động, cung cấp ra thị trường 20 tấn sản phẩm/tháng, giảm khoảng 30% so cùng kỳ.
“Do dịch Covid-19, một số nguyên liệu đứt đoạn, ảnh hưởng sản xuất, dồn đơn hàng, vận chuyển nguyên liệu khó khăn, nhưng nhờ đã bao tiêu, liên kết với những vùng nuôi từ trước, công ty nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua, tất cả những ngành hàng thực phẩm sẽ bình ổn và phát triển trở lại, ổn định đời sống, sản xuất cho bà con, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Phong trăn trở.