Hậu Giang nỗ lực phục hồi kinh tế

Theo T. Trúc - Duy Khánh/Báo Hậu Giang

Sau khi Hậu Giang áp dụng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, bên cạnh việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân trong tỉnh có nhiều thuận lợi, chính quyền các địa phương đã có những hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tái sản xuất góp phần giúp kinh tế của tỉnh dần phục hồi.

Các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực phục hồi lại sản xuất, giúp nền kinh tế tăng trưởng ở những tháng cuối năm. Ảnh: T.Trúc
Các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực phục hồi lại sản xuất, giúp nền kinh tế tăng trưởng ở những tháng cuối năm. Ảnh: T.Trúc

Nông sản tiêu thụ ổn định

Sau khi các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở huyện Phụng Hiệp cũng bắt đầu khởi sắc. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày toàn huyện có hơn 150 tấn nông sản gồm trái cây, rau màu được thu hoạch, tăng gấp 5 lần so với thời điểm dịch diễn biến phức tạp.

Làm nghề thu mua hoa màu cho bà con ở nông thôn, sau gần 3 tháng tạm nghỉ, cách đây hơn 10 ngày, thấy tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ông Nguyễn Hoàng Minh đã quay lại với nghề. Với phương tiện là vỏ lãi, đi sâu vào các tuyến nông thôn nên mỗi ngày ông Minh thu mua hơn 2 tấn rau màu, rẫy dây các loại để giao lại cho các vựa nông sản đi tiêu thụ các tỉnh.

Ông Minh cho biết: “Thấy tình hình được nới lỏng nên gia đình quay lại nghề gắn bó đã 10 năm nay để cải thiện đời sống. Bởi sau 3 tháng tạm nghỉ, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện nay, tuy hoạt động trở lại nhưng quá trình mua bán nông sản cũng dè chừng, ai cũng có tâm lý phòng bệnh. Đối với gia đình khi vào vườn mua nông sản của bà con cũng tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Hàng hóa ra tới bãi tập kết chỉ giao cho các xe quen, hàng hóa mình tự vận chuyển lên xe, tiền nông sẽ được chuyển khoản chứ không giao nhận trực tiếp như trước đây”.

Theo thống kê trong khoảng một tháng qua, huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch và tiêu thụ hơn 5.000 tấn nông sản, thủy sản các loại. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Tình hình tiêu thụ nông sản ở huyện Phụng Hiệp trong khoảng một tháng nay đã có bước tăng trưởng đáng kể, sản lượng tiêu thụ bằng 90% so với thời điểm không có dịch. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây trước đây khó tiêu thụ thì hiện nay cũng được thương lái thu mua khá nhiều, giá bán cũng từng bước được cải thiện.

Như  HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, sau khi thành công với 4 gói combo thực phẩm, gần 20.000 phần với giá từ 80.000-400.000 đồng/phần, tình hình sản xuất có bước cải thiện và hiện HTX đang thiết kế thêm các gói combo từ 300.000-500.000 đồng với khoảng 7-11 loại sản phẩm, gồm có: cá, thịt, trứng và các loại rau củ quả, trái cây vừa đảm bảo dinh dưỡng phục vụ cho người tiêu dùng, vừa gắn kết tiêu thụ các loại nông sản trong huyện.

Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: Nhận thấy tình hình tiêu thụ nông sản thông qua các gói combo hoạt động hiệu quả nên HTX đã chủ động thiết kế nhiều hơn nữa các gói combo để chào hàng thông qua mạng xã hội.

Tùy vào giá tiền mỗi gói combo sẽ có những loại thực phẩm phù hợp với bữa cơm hàng ngày của bà con. Nguyên liệu để thực hiện các gói combo chủ yếu cũng xoay quanh các mặt hàng chủ lực của HTX và các nông sản thế mạnh của huyện Phụng Hiệp và các địa phương trong tỉnh.

Sản xuất song hành với phòng, chống dịch

Nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai cho các hộ kinh doanh, công ty, doanh nghiệp xây dựng các phương án vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, hỗ trợ cho vay phục hồi sản xuất theo Nghị định 68 của Chính phủ mà toàn huyện Phụng Hiệp có tổng số 382 nhà thầu, doanh nghiệp và 7.468 hộ kinh doanh trên các lĩnh vực, đến nay đã có 95% doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã hoạt động trở lại, trong đó huyện đã phê duyệt phương án sản xuất phòng, chống dịch cho hơn 40 công ty và doanh nghiệp.

Ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sau khi Hậu Giang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính Phủ thì huyện Phụng Hiệp cũng có nhiều động thái để hỗ trợ cho doanh nghiệp tái sản xuất trở lại. Như đối với các công ty, doanh nghiệp có dưới 100 lao động thì huyện phê duyệt phương án sản xuất, trên 100 thì huyện sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt.

Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ hiện nay đã đi vào hoạt động, các dự án như làm đường, làm cầu cũng đã xúc tiến trở lại. Theo đà này thì tình hình sản xuất và kinh doanh ở huyện Phụng Hiệp sẽ từng bước khởi sắc, thu nhập của bà con cũng bắt đầu được cải thiện, thu ngân sách cũng có bước tăng trưởng.

Sau gần một tháng áp dụng trạng thái bình thường mới và các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, kinh tế của huyện Phụng Hiệp đã có bước phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 đạt 68,8 tỉ đồng tăng 26,93% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10-2021 ước thực hiện 237,284 tỉ đồng, bằng 93,51% so cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện 156,563 tỉ đồng, bằng 96,45% so cùng kỳ năm 2020. Cộng dồn đến tháng 10-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 3.901 tỉ đồng, bằng 98,49% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện 2.854 tỉ đồng, bằng 97,16% so cùng kỳ năm 2020.

Để hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phân cấp cho UBND cấp huyện và Ban Quản lý các khu công nghiệp phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh. Song song đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho người lao động tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 và hỗ trợ xét nghiệm để thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tới đây tỉnh Hậu Giang sẽ phát huy vai trò của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong tình hình mới để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hỗ trợ, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật để các chính sách nhanh chóng đến người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong khu vực Nam sông Hậu để thống nhất phương án lưu thông hàng hóa, di chuyển người lao động để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hàng hóa được vận chuyển thông suốt.

Tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hậu Giang... để giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp, từng bước phục hồi kinh tế.