Đại gia hàng hải Hàn Quốc phá sản, nợ cảng Việt Nam hàng chục tỉ đồng
Không chỉ kẹt hơn 4.000 container rỗng tại các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, đại gia hàng hải vừa phá sản của Hàn Quốc Hanjin còn đang nợ các doanh nghiệp cảng bến Việt Nam hàng chục tỉ đồng.
Theo lãnh đạo cảng vụ TP. Hồ Chí Minh, khoản nợ của Hanjin với hệ thống các cảng bến Việt Nam hiện còn khá lớn và chủ yếu là tiền nợ phí hoa tiêu, cầu bến. Riêng với hệ thống cảng bến của công ty Tân Cảng, Hanjin nợ tới hơn 50 tỉ đồng.
Con số này với cảng Vic vào khoảng 80.000 USD còn chi phí hoa tiêu nợ cảng vụ khu vực I là hơn 23.000 USD. Ngoài ra, Hanjin cũng còn nợ một số cảng ngoài Hải Phòng. Do đó, các cảng này hiện giữ hơn 4.000 container của Hanjin đồng thời tham vấn luật sư để đòi bồi thường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cảng biển đang phải chờ phán quyết của tòa án và Cục Hàng Hải đã có văn bản yêu cầu các Cảng vụ, Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội Chủ tàu và doanh nghiệp... phối hợp chặt chẽ để theo dõi sát tình hình tàu biển và container của Hanjin vào cảng đồng thời đã lập kế hoạch, bố trí phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng, thuận tiện.
Trong số 4.122 container của Hanjin đang tồn tại các cảng TP. Hồ Chí Minh, có 50 container chứa hàng và 4.072 container rỗng.
Vụ phá sản của Hanjin khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng trong đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực như da giày, thuỷ sản, đồ gỗ... cũng như doanh nghiệp logistics chịu tác động lớn nhất.
Trước khi phá sản, Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam và mỗi tháng có 11 tàu của hãng này ra vào các cảng tại TP. Hồ Chí Minh, gồm cảng Cát Lái, Tân Cảng Hiệp Phước và Cảng Container Quốc Tế Việt Nam (VICT). Ở khu vực Hải Phòng, Hanjin không có tàu vận chuyển hàng hóa trực tiếp mà chỉ có hàng trung chuyển.
Hanjin là hãng vận tải tàu container lớn thứ 7 thế giới trước khi công bố phá sản ngày 31.8 vừa qua. Đây được xem là vụ phá sản lớn nhất từng được ghi nhận trong ngành vận tải biển thế giới, sau trường hợp của United States Lines năm 1986.
Trong vài năm trở lại đây, ngành vận tải biển toàn cầu liên tục chìm trong suy thoái do dư thừa công suất và nhu cầu suy giảm. Cước vận tải biển liên tục phá đáy khiến các doanh nghiệp vận tải biển điêu đứng.