"Đại gia" Hồng Kông vẫn tiếp tục đổ xô đầu tư vào Việt Nam
Đứng thứ 2 về tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2019, các "đại gia" Hồng Kông vẫn đang ấp ủ nhiều dự án lớn "đổ" vào Việt Nam trong những năm tới.
Năm 2019 khép lại với những con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầy ấn tượng, ghi nhận những kỷ lục mới.
Tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Về vốn FDI giải ngân năm 2019 ghi nhận con số kỷ lục từ trước đến nay, đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các đối tác Hồng Kông, Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2019. Trong đó, Hồng Kông đã vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số 7 dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) liệt kê thì có đến 2 dự án đứng đầu về vốn thuộc về nhà đầu tư Hồng Kông. Cụ thể là Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Hồng Kông có xu hướng tăng là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trong thời gian tới, các nhà đầu tư Hồng Kông sẽ còn tiếp tục "đổ xô" vào Việt Nam. Theo cập nhật mới nhất cuối năm 2019 đã có 2 dự án lớn trong lĩnh vực điện và năng lượng của các "đại gia" Hồng Kông đang trong giai đoạn khảo sát, chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam.
Đầu tiên là dự án Nhà máy điện gió Envision Hoằng Hóa của Công ty Envision Energy (Hồng Kông) sẽ được lắp đặt xây dựng tại khu vực ven biển huyện Hoằng Hóa. Dự án có mức đầu tư 80 triệu USD với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 8,7ha.
Dự án có công suất 50MW gồm 15 turbine gió 3MW/1 turbine và 2 turbine gió 2,5MW/1 turbine. Sản lượng điện phát lên lưới điện trung bình hàng năm là 129,5 triệu kWh/năm; dự kiến dòng điện sản xuất được sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia 110 kV.
Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến dự án sẽ được tiến hành xây dựng vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào vận hành sử dụng vào cuối năm 2021.
Tiếp theo là dự án của công ty TNHH Flat (Hồng Kông) mong muốn được Quảng Trị cho phép nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường đầu tư, đặc biệt là vị trí để xây dựng nhà máy kính năng lượng mặt trời.
Tại buổi làm việc, ông Hongliang Ruan, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Flat giới thiệu là một trong những doanh nghiệp sản xuất kính năng lượng mặt trời hàng đầu của thế giới và sản xuất, kinh doanh các loại kính nổi, kính tiết kiệm năng lượng sử dụng cho các công trình xây dựng.
Hiện tại, công ty này đang thực hiện dự án nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat Việt Nam ở TP. Hải Phòng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị giao các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn công ty khảo sát nghiên cứu xây dựng nhà máy kính năng lượng mặt trời tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và hi vọng nhà máy kính năng lượng mặt trời sẽ sớm triển khai thực hiện.
Đánh giá về việc dòng vốn Hồng Kông, Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do, việc các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông đổ xô vào Việt Nam khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn từ căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, dù là dòng vốn từ quốc gia nào và bao nhiêu thì cũng cần lưu ý tới vấn đề chất lượng dòng vốn. Theo đó, vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng được các tiêu chí mới về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới như công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có tính lan toả, kết nối...