Đại hội cổ đông bất thường Bông Bạch Tuyết lần thứ 3 Nhiều cổ đông bị tước quyền biểu quyết

Theo SGTT

Ban tổ chức, có thể lo ngại phản ứng thái quá của cổ đông, đã thuê khoảng 15 bảo vệ đến đại hội. Nhiều cổ đông Bông Bạch Tuyết (BBT) không được vào dự ngồi ngóng ngoài hành lang. Cuộc họp có lúc lên cao điểm ai cũng giành nói, không ai nghe ai...

Đại hội cổ đông bất thường lần thứ ba của công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) do cổ đông lớn nhất Dệt may Gia Định tổ chức đã kéo dài tới hơn 14h ngày hôm qua (19.2) mới kết thúc trong sự đìu hiu bởi đa số cổ đông bỏ về ngang.

Quyền cổ đông bị xâm phạm?

Chưa kịp tiếp cận bàn đăng ký tham gia, nhiều cổ đông đã đụng phải lực lượng bảo vệ án ngữ ngay lối lên xuống cầu thang trước phòng đại hội. Phải chứng minh được là cổ đông của BBT mới được cho qua. Và giấy uỷ quyền dự họp phải là bản chính có dấu đỏ của Dệt may Gia Định chứ không chấp nhận mẫu tải từ trang web. Nhiều người được uỷ quyền vì nhiều lý do không có dấu đỏ này đành đứng ngoài. Ngay cả ông Tạ Xuân Thọ, tổng giám đốc với hơn 40.000 cổ phần sở hữu và cả chục giấy uỷ quyền cũng phải chạy vạy một lúc lâu ở bàn đăng ký mới được vào tham dự.

Thủ tục này ngay lập tức đã bị nhiều cổ đông trong đại hội phản ứng mạnh mẽ. Bởi theo điều 79, luật Doanh nghiệp, cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các đại hội cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. “Tại sao tổ chức đại hội mà lại khước từ quyền cổ đông? Khi đa số không cất được tiếng nói thì đại hội có ý nghĩa gì?”, một cổ đông chất vấn.

Điều khiến nhiều cổ đông bức xúc và bất ngờ nhất là bị hạn chế quyền phát biểu. Liên tiếp những cánh tay đưa lên đòi phát biểu nhưng người điều khiển đại hội từ chối với lý do đã hết giờ, đề nghị ghi bằng giấy trả lời sau. Sau đó, khi không thể cản làn sóng đòi được nói, thì người có nhiệm vụ đưa micro cho cổ đông lại... không có micro.

Kết thúc trong bất ổn

Xuyên suốt đại hội vẫn là những mâu thuẫn, xung đột giằng co gần một năm giữa hai phe nhóm: người “theo” Dệt may Gia Định, cho rằng ban điều hành có quá nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, điều hành sản xuất kinh doanh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Những cổ đông khác, một số tỏ ý ủng hộ ông Tạ Xuân Thọ, thì không đồng ý phương án kinh doanh Dệt may Gia Định đưa ra… Họ cho là những tờ trình do Dệt may Gia Định đưa ra một chiều, chưa đầy đủ...

 

 

Nổi rõ trong cuộc họp là sự bất ổn, mất đoàn kết của BBT và những thông tin trái chiều phản bác nhau mà nhiều điểm đang được cơ quan chức năng làm rõ. Kinh doanh thua lỗ là lỗi của ai, các con số khó hiểu trong báo cáo tài chính, diễn tiến sự vụ biển thủ 750 triệu đồng của giám đốc hành chính nhân sự Đào Đức Diễn, tại sao Dệt may Gia Định chỉ “vạch tội” và miễn nhiệm bốn thành viên hội đồng quản trị, còn ba thành viên thuộc người của Dệt may Gia Định thì không... Đến mức ông Tạ Xuân Thọ từ phía dưới phải bật dậy nói một số điểm mà ông cho rằng Dệt may Gia Định đã cố tình bỏ qua.

Tính tới 11h40 trưa ngày 19.2 có 282 cổ đông tham dự, chiếm tỷ lệ 51,37% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhiều người hiểu rằng đây là con số mang tính ước lệ bởi một mình Dệt may Gia Định đã đại diện 30% vốn. Phần vốn áp đảo này đã đưa đại hội cổ đông BBT về cơ bản thông qua toàn bộ tám tờ trình do Dệt may Gia Định đưa ra. Đó là tờ trình phương án khôi phục, phát triển kinh doanh; tờ trình uỷ quyền chỉnh sửa điều lệ; ba tờ trình bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Lê Tiến Phước, ông Tạ Xuân Thọ; bà Phạm Thị Tâm Anh; không chấp thuận tư cách thành viên HĐQT ông Ngô Xuân Hiền; bầu bổ sung thành viên ban kiểm soát; bầu bổ sung thành viên HĐQT. Theo kế hoạch sau đó, Dệt may Gia Định sẽ hỗ trợ BBT 10 – 15 tỉ đồng vốn lưu động lãi suất ưu đãi, đàm phán giãn nợ với ngân hàng, tái cấu trúc công ty…

Đa số cổ đông, trong đó có ông Tạ Xuân Thọ, tổng giám đốc BBT và bà Phạm Thị Tâm Anh, phó giám đốc (cả hai còn tại chức vào thời điểm đó) đã bỏ về ngang sau khi nghe kết quả kiểm phiếu vào khoảng 13h, tỏ rõ thái độ bất đồng.

Toàn bộ diễn biến đại hội đã diễn ra trước mắt các vị lãnh đạo của cơ quan chức năng: ông Lê Nhị Năng, phó giám đốc sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Bùi Nguyên Hoàn, trưởng đại diện UBCKNN tại TP.HCM và một số người của cơ quan chức năng khác. Mùa đại hội cổ đông 2009 đang đến, cũng được dự báo không thiếu những bất ngờ như đại hội BBT, khi mà hàng loạt các doanh nghiệp phải đối mặt với giải trình về thua lỗ năm 2008 và minh bạch doanh nghiệp. 

Chung cuộc, Dệt may Gia Định đã giành được quyền quản lý BBT. Nhưng tương lai BBT sẽ ra sao?

 

BBT đã lỗ liên tục trong bốn năm kể từ 2005. Kết thúc năm 2008, BBT lỗ luỹ kế hơn 28,404 tỉ đồng và hiện đang bị sở Giao dịch TP.HCM đưa vào diện kiểm soát.