Đại lý làm loạn giá xe máy

Theo báo Đất Việt

Theo đại diện một hãng xe máy, hiện hầu hết lượng xe khá dồi dào với giá bán lẻ đề xuất không tăng, song các cửa hàng ủy nhiệm “hoàn toàn có quyền” tăng giảm giá bán theo quy luật thị trường và theo Luật Cạnh tranh (?!).

Trong vài tuần trở lại đây, thị trường xe máy lại tăng giá, trong khi  nguồn hàng không khan hiếm, sức mua chậm. Đây là hệ quả của việc lâu nay, các hãng sản xuất chỉ công bố mức giá bán lẻ đề xuất, còn “làm ngơ” cho các cửa hàng ủy nhiệm, đại lý muốn bán giá bao nhiêu tùy ý.

Tại TP HCM, trong khi lượng xe tại hệ thống cửa hàng ủy nhiệm của Honda, SYM, Suzuki vẫn dồi dào thì các đại lý bán lẻ tư nhân vẫn bán hàng “nhỏ giọt” khiến giá bị đẩy tăng lên. Nhân viên cửa hàng xe máy Thành Hưng trên đường Lý Tự Trọng cho biết, giá Attila, Space, Click… tăng trung bình một triệu đồng một chiếc từ ba tuần trở lại đây. Riêng SH nhập khẩu từ Italy tăng hơn 1.000 USD một chiếc.

Mỗi nơi một giá

Chiều 17/11, một cửa hàng ủy nhiệm trên đường Lý Tự Trọng, góc ngã sáu Phù Đổng, quận 1, thông báo giá Wave 110S tùy thắng đùm hay thắng đĩa lần lượt có giá 17,5 hay 19,5 triệu đồng một chiếc, cao hơn 2,5 - 3,5 triệu so với giá bán lẻ đề xuất của Honda. Xe RSX mới ra giá 21 triệu đồng một chiếc, Click 30 triệu đồng một chiếc; Lead 35 - 36 triệu đồng một chiếc tùy màu.

Trong khi đó, Trung tâm xe máy Chợ Lớn, đường An Dương Vương, quận 5, bán giá mỗi loại xe trên cao hơn tại cửa hàng ủy nhiệm trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng một chiếc song lượng xe không dồi dào và ít màu sắc để khách lựa chọn.

Tại Hà Nội, hơn một tuần trở lại đây, nhiều loại xe gắn máy tiếp tục đợt tăng giá mới, thậm chí Air Blade màu đen tăng gần 5 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất của Honda nhưng vẫn “cháy” hàng. Đại lý 231 Tôn Đức Thắng báo giá Exiter, Nouvo 135 cm3… đều cao hơn 240.000 - 2 triệu đồng so với giá đề xuất của Yamaha.

Riêng Sirius RL phanh đĩa 18 triệu đồng một chiếc, cao hơn 500.000 đồng so với giá đề xuất và tăng 200.000 đồng so với thị trường 10 ngày trước. Anh nhân viên bán hàng còn gạ: “Mua xe bây giờ hợp lý nhất, vì 1 - 2 tháng nữa người ta lĩnh tiền thưởng Tết, đổ xô mua sắm cuối năm, nên không thể biết giá còn lên tới bao nhiêu”!

Xe của hãng SYM cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”, cửa hàng Kường Ngân (6 - 8 Nguyễn Lương Bằng) bán xe tay ga Shark giá 46,5 triệu đồng, cao hơn giá bán lẻ đề xuất của hãng 1,5 triệu và tăng hơn khoảng 500.000 đồng so với đầu tháng 11. Cách đó chưa đầy 500 m, Công ty Quốc Anh (75 - 77 Khâm Thiên) lại chào 47 triệu đồng với cùng màu xe…

Hãng sản xuất làm ngơ?

Xe số thuộc nhóm bình dân và trung bình “cộng” mà thị trường đã tương đối bão hòa cũng vào hùa cuộc đua tăng giá. Cửa hàng T&H (K1 Thành Công, Láng Hạ) chào giá RSX, RS vành đúc đều cao hơn 10 ngày trước từ 300.000 đến 1 triệu đồng.

Anh Trọng, chủ cửa hàng 244A đường Thống Nhất, phường 13, quận Gò Vấp, nhận xét, lượng cung không thiếu nên giá bán vẫn ổn định, chưa kể xe số tiêu thụ rất chậm do đã bão hòa và giới trẻ chuộng xe tay ga. Do đó, nếu đúng theo nguyên tắc thị trường thì khó xảy ra giá xe tăng do đột biến vì sức mua. Đại diện một hãng sản xuất xe gắn máy thừa nhận, hiện hầu hết lượng xe khá dồi dào với giá bán lẻ đề xuất không tăng; song các cửa hàng ủy nhiệm “hoàn toàn có quyền” tăng giảm giá bán theo quy luật thị trường và theo Luật Cạnh tranh(?!).

Công ty Honda Vietnam ngày 17/11 cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 9 đã sản xuất 976.526 xe máy, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng không bao giờ tăng giá bán lẻ đề xuất công bố ngay khi tung ra mẫu xe mới.