Đại lý thủ tục hải quan: 5 năm vẫn chưa phát triển

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Câu hỏi này đã không ít lần được đặt ra với cả hải quan và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa ai có được câu trả lời xác đáng cho đến khi có câu gợi ý của chuyên gia Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Đại lý hải quan vẫn chưa phát huy đúng vai trò. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đại lý hải quan vẫn chưa phát huy đúng vai trò. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của ngành Hải quan, tính đến hết năm 2012, cả nước có khoảng 200 đại lý thủ tục hải quan, số nhân viên làm đại lý thủ tục hải quan khoảng 300 nhân viên. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2012, số lượng tờ khai hải quan do đại lý thủ tục hải quan ký tên đóng dấu chỉ chiếm khoảng 1% (khoảng 19.000 tờ ) trong tổng số 2 triệu tờ khai. Với tốc độ gia tăng thương mại mạnh mẽ như hiện nay, con số đạt được của đại lý thủ tục hải quan – cánh tay nối dài của hải quan quả thật đáng buồn.

Thực tế buồn

Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: các con số trên được thống kê thông qua các tờ khai do đại lý thủ tục hải quan ký tên đóng dấu, còn trên thực tế, kim ngạch làm thủ tục hải quan qua đại lý rất lớn, nhưng lại không đứng tên đại lý mà đứng tên các nhà XNK. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, nguyên nhân sâu xa là do đại lý hải quan và doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) chưa có sự tin tưởng nhau. Thực tế đã có trường hợp nhiều Công ty XNK bị đại lý lừa gạt lấy tiền mà công việc vẫn bị ách tắc, cán bộ của Công ty phải đứng ra giải quyết. Trình độ nghiệp vụ của nhân viên đại lý hải quan chưa đồng đều, nhân viên có thẻ đại lý hải quan chưa cập nhật và nắm vững về chính sách và thủ tục liên quan nên DN không thể tin tưởng và phó thác… Do vậy, để vừa nhanh, vừa dễ quản lý, đa phần các DN đưa tên truy cập và mật khẩu của mình do hải quan cấp khi làm thủ tục hải quan điện tử cho đại lý để đại lý kê khai, sau đó DN chỉ đứng ra để ký tên, đóng dấu. Nhiều DN cho biết, làm như vậy có rườm rà và tốn thêm chi phí nhưng họ thấy yên tâm.

Ngoài ra, những vướng mắc trong thủ tục cũng khiến cho việc các đại lý đứng tên trên tờ khai gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trường hợp một DN nhập gia công, sản xuất XK nhiều, khi làm thủ tục thì do đại lý đảm nhiệm nhưng khi thanh khoản với cơ quan hải quan thì DN XNK lại là đối tượng thanh khoản. Vì vậy, DN bắt buộc phải ký tên đóng dấu trên tờ khai hải quan thì mới có thể thanh khoản.

Gợi ý mở

Ông Daniel Perrier - Chuyên gia WCO chỉ rõ: Vấn đề ở đây là hợp đồng và mối quan hệ hợp đồng giữa hai bên (DN – đại lý hải quan) chưa rõ ràng. Trong trường hợp này, cơ quan Hải quan phải hỗ trợ DN xác định vấn đề cần giải quyết thông qua các điều khoản hợp đồng, phải tạo ra những điều kiện thuận lợi và làm rõ các mối quan hệ về giao dịch thương mại giữa đại lý và khách hàng. Bởi mục đích cuối cùng là tăng cường thương mại. Từ đó, ông Daniel Perrier đưa ra một nguyên tắc, đó là cần phải có một sự bảo đảm rằng những tờ khai do đại lý hải quan làm có chất lượng tốt hơn tờ khai khách hàng làm.

Ông Daniel Perrier cho biết, người đại lý và DN XNK không giống nhau. DN XNK có lợi ích trực tiếp với giao dịch từ hàng hóa của họ, nhưng người đại lý thủ tục hải quan chỉ có lợi ích từ việc làm dịch vụ thông quan. Do đó, phải đưa ra nguyên tắc làm rõ sự khác nhau đó. Ông Daniel Perrier đề nghị, để phát triển được hệ thống đại lý hải quan thì phải hiểu tính chất, ngành nghề kinh doanh của đại lý hải quan để từ đó xác định được lợi ích chính của họ trong giao dịch, từ đó sáng tạo ra lợi ích cho đại lý hải quan. Công việc đó không ai khác chính là của hải quan.