Vietcombank:

Đảm bảo chất lượng tín dụng và tiếp tục xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm

Hồng Hải (T/h)

Xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, xây dựng Đề án Ngân hàng tốt, Ngân hàng xấu; thành lập Ban xử lý nợ tại các chi nhánh; thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu; thành lập các tổ chỉ đạo giám sát đặc biệt tại một số chi nhánh có các khoản nợ có vấn đề lớn, phức tạp…là những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để Vietcombank xử lý nợ xấu thành công thời gian qua, đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%. Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đã có một số chia sẻ với phóng viên xoay quanh chủ đề này.

TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội thảo tập huấn công tác quản lý và xử lý nợ có vấn đề dành của Vietcombank.
TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội thảo tập huấn công tác quản lý và xử lý nợ có vấn đề dành của Vietcombank.

PV: Hệ thống các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế, việc xử lý nợ xấu tại các TCTD để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế được Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Xin ông cho biết kết quả xử lý nợ xấu tại Vietcombank thời gian qua trên cơ sở quan triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 42 của Quốc hội, đề án được Chính phủ phê duyệt và các chỉ thị của NHNN?

TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội thảo tập huấn công tác xử lý và thu hồi nợ của Vietcombank.
TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank phát biểu tại Hội thảo tập huấn công tác xử lý và thu hồi nợ của Vietcombank.

Ông Phạm Mạnh Thắng: Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt quá trình cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan. Đặc biệt, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và có tính thuyết phục cao, ngày 21/06/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Điều này thực sự tạo luồng sinh khí mới, liều thuốc hữu hiệu phá tảng băng nợ xấu, khơi thông mạch máu, lưu thông vốn vào nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017. Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai đề án 1058, các văn bản chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cùng nhiều chỉ thị triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xử lý nợ có vấn đề. Các chính sách nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các TCTD, trong đó có Vietcombank đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu thực chất và bền vững.

Với sự tập trung nguồn lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, từ Ban lãnh đạo Vietcombank đến Trưởng các đơn vị và các cán bộ, Vietcombank đã xử lý được khối lượng lớn nợ tồn đọng, bao gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa nợ xấu về một sổ sớm trước 3 năm so với đề án được phê duyệt.

Tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được 22.600 tỷ đồng nợ xấu, đạt 134% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018), đạt 75% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020); thu được nợ ngoại bảng là 7.718 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018), đạt 62% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020) theo Đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Số dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2018 là 7.189 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%, phân loại theo chuẩn mực quốc tế. Đây cũng là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của Vietcombank và về đích trước 2 năm so với đề án tái cơ cấu Vietcombank.

6 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 697.240 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 101,3% kế hoạch 6 tháng đề ra. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nợ xấu và nợ đã xử lý dự phòng rủi ro tiếp tục được đẩy mạnh. Dư nợ xấu nội bảng ở mức 7.036 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 12.631 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 179,5%, đạt mức đỉnh của trong thời gian qua và ở mức cao trong các ngân hàng tại Việt Nam.

Là ngân hàng xử lý nợ xấu thành công trong thời gian qua, xin ông cho biết những giải pháp nổi bật mà Vietcombank đã triển khai để mang lại hiệu quả đột phá này?

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, Vietcombank đã quyết liệt trong công tác quản lý và xử lý nợ xấu với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Từ năm 2015, Vietcombank đã xây dựng Đề án Ngân hàng tốt, Ngân hàng xấu với mục tiêu xây dựng đề án xử lý các vấn đề tồn đọng và tập trung nguồn lực cho công tác xử lý thu hồi nợ tại những “Ngân hàng xấu”; xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 và là nhóm ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại.Ngay khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, Vietcombank đã triển khai phổ biến tới các chi nhánh, cán bộ xử lý nợ về các điểm mới, tích cực của Nghị quyết, từ đó nhanh chóng áp dụng có hiệu quả Nghị quyết 42 vào thực tiễn.

Ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã phân công các ủy viên HĐQT, thành viên Ban điều hành tham gia chỉ đạo trực tiếp các Chi nhánh có nợ xấu lớn, phức tạp nhằm tăng cường sự chỉ đạo công tác xử lý thu hồi nợ tại các Chi nhánh; thành lập Ban xử lý nợ tại các Chi nhánh có nợ xấu trên 3% hoặc dư nợ xấu trên 50 tỷ đồng; trong đó, Giám đốc Chi nhánh là trưởng ban xử lý nợ để chỉ đạo sát sao công tác xử lý nợ tại Chi nhánh; Ngoài bộ phận chuyên trách quản lý và xử lý nợ toàn hệ thống Vietcombank tại Trụ sở chính, từ năm 2017, Vietcombank đã thành lập thêm Bộ phận chuyên trách xử lý nợ phía Nam nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Trụ sở chính tại các Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, thành lập Bộ phận quản lý nợ xấu tại chi nhánh, phân công các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm để xử lý nợ và các cán bộ này phải có vai trò độc lập với cán bộ thẩm định tín dụng.

Vietcombank cũng quán triệt toàn hệ thống phương thức quản lý và xử lý nợ xấu, trong đó, chia thành hai nhóm xử lý chính là: Nhóm biện pháp chủ động phòng ngừa và Nhóm biện pháp xử lý thu hồi nợ. Trong đó, việc phòng ngừa được quan triệt thường xuyên với việc nâng cao chất lượng thẩm định của Vietcombank, quan triệt nghiêm túc định hướng tín dụng chung và tín dụng theo ngành, thận trọng trong công tác chấm điểm và xếp hạng tín dụng đối với khách hàng và theo dõi chặt chẽ hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Và cuối cùng, Trụ sở chính phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực chi nhánh trong quá trình xử lý thu hồi nợ, đồng thời thành lập các tổ chỉ đạo giám sát đặc biệt tại một số Chi nhánh có các khoản nợ có vấn đề lớn, phức tạp. Trụ sở chính cũng thường xuyên tổ chức tập huấn công tác xử lý thu hồi nợ cho toàn hệ thống theo từng khu vực nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ tham gia công tác xử lý nợ, đặc biệt là các nội dung cập nhật của Nghị quyết 42.

Xin ông cho biết kế hoạch của Vietcombank trong năm 2019 và trong thời gian tới nhằm tiếp tục xử lý nợ xấu theo mục tiêu ngân hàng đã đặt ra?

Chính phủ và Ngân hàng nhà nước tiếp tục định hướng các ngân hàng thương mại tập trung vào công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ. Theo đó, Vietcombank coi công tác quản lý chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của ngân hàng.

Trong năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý DPRR là trên 3.500 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy “tham vọng”, tuy nhiên, Vietcombank tin tưởng với sự chung sức của xã hội, sự chỉ đạo và lãnh đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành các cấp, Vietcombank sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!