Đảm bảo công bằng trong việc xác định giá tính thuế

PV.

Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển dòng xe ô tô nhỏ, thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ô tô trong nước phát triển thị trường, cạnh tranh khi thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018. Chính vì thế, hệ thống chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã và đang có những sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hội nhập sâu rộng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khuyến khích phát triển dòng xe ô tô nhỏ

Cùng với thuế xe nhập khẩu giảm về 0% theo cam kết ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng được điều chỉnh giảm. Nhờ đó, giá xe ô tô trên thị trường có thể giảm gần 50% so với hiện nay. Những thay đổi về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động lớn đối với ngành công nghiệp ô tô và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trong thời gian tới.

Theo Dự thảo sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt thì dòng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh nhỏ, sẽ có lộ trình giảm thuế khoảng 15-25% so với hiện tại trong 4 năm tới. Thay đổi kể trên cùng với giảm thuế nhập khẩu về 0% (từ năm 2018) có thể giúp một số dòng ô tô con giảm giá bán tới 42% so với hiện tại.

Tại buổi Họp báo của Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 20/10, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế đưa ra lộ trình điều chỉnh thuế TTĐB với ô tô được thực hiện trong 4 năm (2016-2019). Theo đó, thuế TTĐB sẽ giảm mạnh nhất với xe cá nhân có dung tích xi lanh dưới 1.0, chỉ còn 20% giá bán từ năm 2019 (hiện thuế suất hiện hành là 45%). Như vậy, cùng với giảm thuế nhập khẩu, dòng xe con dung tích xi lanh dưới 1.0 sẽ giảm giá khoảng 42% so với hiện nay. Trong khi đó, dòng xe cá nhân có dung tích xi lanh trên 6.0 thuế TTĐB tăng nhiều nhất, lên ngay mức 150% từ ngày 1/7/2016 (thay mức 60% hiện nay).

Tuy nhiên, thuế TTĐB chỉ giảm với các dòng xe chiến lược (ưu tiên phát triển) - xe dưới 9 chỗ ngồi (xe cá nhân), dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 (2.0) trở xuống. Trong khi đó, dòng xe cá nhân có dung tích xi lanh từ 3.0 trở lên và dòng siêu sang thuế TTĐB sẽ tăng mạnh, có dòng thuế tăng gấp gần 3 lần so với hiện nay.

Bên cạnh đó, đánh mạnh thuế TTĐB với ô tô cá nhân hạng sang, dung tích xi lanh lớn do xe tiêu hao nhiều nhiên liệu; kích thước chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông Việt Nam, cần hạn chế.

Những thay đổi về chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô đã thể hiện chủ trương: “Thuế nhập khẩu và thuế TTĐB cùng giảm sẽ giúp giá ô tô tại Việt Nam rẻ hơn, thúc đẩy thị trường và giúp người có thu nhập trung bình và trung bình khá trở lên có điều kiện sở hữu ô tô. Đồng thời, khi thị trường lớn sẽ khuyến khích các hãng đầu tư sản xuất xe tại Việt Nam”,

Khi nói về tác động của giảm thuế TTĐB với ô tô lên thu ngân sách nhà nước, Vụ trưởng Chính sách Thuế cho biết, những năm đầu nguồn thu ngân sách có thể giảm. Tuy nhiên, về lâu dài, khi dung lượng thị trường ô tô lớn hơn, ngân sách nhà nước vẫn tăng (lấy số lượng bù chất lượng). Ngoài ra, theo ông Thi, giảm thuế sẽ kích thích sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó quy mô thu ngân sách sẽ tăng lên.

Đặc biệt là, để đảm bảo công bằng trong việc xác định giá tính thuế TTĐB giữa hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đề nghị sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu là giá bán sản phẩm hàng hóa của người nhập khẩu bán ra thị trường trong nước.

Đảm bảo công bằng trong việc xác định giá tính thuế TTĐB

Bên cạnh những thay đổi về chính sách thuế đối với ô tô thì Dự thảo cung đưa ra các quy định điều chỉnh về giá tính thuế TTĐB khi bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Luật thuế TTĐB thì đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Theo khoản 9 Điều 4 Nghị định hiện hành thì “Thời điểm phát sinh doanh thu đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Nghĩa là kể từ thời điểm bán (phát sinh doanh thu), người nộp thuế không còn đủ 03 quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự (“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu”).

Thực tế, nhiều người nộp thuế bao gồm cả cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, đều thành lập cơ sở thương mại là công ty con (100% vốn hoặc chiếm đại đa số cổ phần chi phối). Những công ty con này mua toàn bộ sản phẩm của các nhà máy sản xuất cũng là công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở thương mại. Sau đó công ty con tiếp tục bán hàng cho các nhà phân phối hoặc đại lý bán buôn độc lập để phân phối ra thị trường. Trên cơ sở đó, các cơ sở sản xuất đã khai giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất.

Đối chiếu với thực tế hệ thống sản xuất, kinh doanh phân phối của nhiều công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con thì hàng hóa dù được nhiều công ty con sản xuất dưới mọi hình thức (gia công, hợp tác, đặt hàng), sau đó giao lại cho công ty mẹ hay một công ty con thương mại trong quan hệ liên kết này mà có dấu hiệu chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế TTĐB thì chưa phải là bán ra để tính thuế vì quyền sở hữu, quyền định đoạt vẫn thuộc về công ty mẹ.

Trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra không theo giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo Luật, có ý kiến đề nghị không nên chia nhỏ để áp thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 và đề nghị áp dụng thuế suất thuế TTĐB thống nhất đối với dòng xe này.

Vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, đề nghị sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.